Hội thảo khoa học về đánh giá việc thực hiện quy định về gia công và chuyển giao công nghệ thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, kiến nghị và đề xuất

Thu Phương Đăng vào 13/01/2023 Tin hoạt động của Vụ

Ngày 13/01/2023, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo khoa học về đánh giá việc thực hiện quy định về gia công và chuyển giao công nghệ thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, kiến nghị và đề xuất dưới sự đồng chủ trì của Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế. 

Tại Hội thảo, Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết:

Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới. Hiện tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt 2,7 tỉ USD trong năm 2015, tăng lên 5,1 tỉ USD năm 2018 và năm 2020 đạt 6,1 tỉ USD. Trong số 25.000 loại thuốc đang được cấp phép lưu hành trong toàn quốc do đơn vị trong nước sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ không cao, chữa các bệnh lý thông thường, bệnh lý thể nhẹ. Ngoài ra, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ trong công nghiệp dược gần như không có; tỉ lệ gia công cho nước ngoài rất ít ỏi và hiện chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp trong nước. Việc phát triển thuốc gia công, thuốc chuyển giao công nghệ là định hướng nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, đẩy mạnh khai thác nguồn công nghệ quốc tế, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Tuy nhiên, chính sách này chưa được chú trọng trong thời gian qua, Luật Dược năm 2016 cũng chưa có chính sách cụ thể để thu hút, Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-TTg 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa đưa ra các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư để phát triển ngành dược. Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỉ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc-xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỉ USD.

Định hướng của Quyết định 376 cũng nêu rõ, giai đoạn 2030-2045 phải đạt việc người dân Việt Nam được dùng thuốc tốt do Việt Nam sản xuất và hướng đến cả xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỉ USD.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên thì cần phải có hệ thống cơ chế pháp lý đủ mạnh ở tầm Luật hoặc Nghị định quy định về ưu đãi đầu tư đối với hoạt động sản xuất thuốc, vắc-xin sinh phẩm, vật tư y tế; cơ chế mua sắm ưu đãi đặc biệt, bao gồm cả đấu thầu tập trung cấp quốc gia đi kèm với ưu đãi về số lượng; cơ chế ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp nước ngoài làm chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Dược phẩm; chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp dược/cơ sở sản xuất thuốc, vắc-xin, trong đó có việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc gốc, vắc-xin sử dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phòng chữa bệnh; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài/chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm từ các nước có ngành dược tiên tiến... 

Hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược năm 2016. Thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 27/09/2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề tháng 9 năm 2022, trong đó Chính phủ đề nghị Bộ Y tế đánh giá chính sách “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc/nguyên liệu sinh học, thuốc dược liệu chuẩn hóa, nguyên liệu từ nguồn dược liệu có sẵn trong nước”. Để có cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các chính sách trong dự án Luật dược sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược, Bộ Y tế đã giao Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đơn vị chủ trì tiến hành đánh giá 05 năm thi hành Luật dược, tiến hành đánh giá một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, tức là phải từ các góc nhìn, từ phía cơ quan quản lý, đến doanh nghiệp liên quan đến thực trạng thực hiện quy định về gia công và chuyển giao công nghệ thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao.

 

Tin khác