Họp kiểm tra Công văn số 1589/BYT-KH-TC ngày 30/3/2022 về việc tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế

Minh Hường Đăng vào 24/11/2022 Tin hoạt động của Vụ

Ngày 24/11/2022, tại Vụ Pháp chế, dưới sự chủ trì của Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã tổ chức họp kiểm tra Công văn số 1589/BYT-KH-TC ngày 30/3/2022 về việc tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe đại diện Vụ Pháp chế trình bày phiếu kiểm tra Công văn số 1589/BYT-KH-TC ngày 30/3/2022 về việc tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế. Theo phiếu kiểm tra, đề nghị xem lại việc yêu cầu căn cứ để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm "Dự kiến yêu cầu kỹ thuật, số lượng hàng hóa, phương pháp xây dựng giá kế hoạch và tiến độ mua sắm của năm kế hoạch được Hội đồng thuốc và Điều trị, Hội đồng Khoa học kỹ thuật hoặc Hội đồng mua sắm đấu thầu của đơn vị thông qua". Nội dung này vừa không bảo đảm tính pháp lý cũng như bảo đảm tính khả thi vì chưa được pháp luật quy định. Đặc biệt, Hội đồng khoa học kỹ thuật thì không phải đơn vị chuyên môn về đấu thầu để tư vấn về nội dung đấu thầu thuốc, trang thiết bị và hàng hóa.

Đối với nội dung yêu cầu phải có cam kết của các đơn vị về việc lựa chọn các hình thức đấu thầu thì sẽ phát sinh thủ tục hành chính mà chưa chắc đã đảm bảo được hiệu quả đấu thầu. Ví dụ, theo phân cấp trong đấu thầu thuốc, khi trình hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì các đơn vị, cơ sở y tế phải có cam kết này khi gửi lên Vụ Kế hoạch Tài chính. Tuy nhiên, việc đề xuất hình thức đấu thầu nào trong tờ trình và hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là do các đơn vị ký trình lên, do đó các đơn vị đã phải chịu trách nhiệm về đề xuất của đơn vị mình rồi mà không cần phải có cam kết hay không?

Các đại biểu cho biết, Theo các văn bản hiện hành thì mới chỉ có quy định giao Bộ Y tế có thẩm quyền hướng dẫn các nội dung chi tiết liên quan đến đấu thầu thuốc. Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và để đúng thẩm quyền, Bộ Y tế có thể hướng dẫn việc
áp dụng pháp luật đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc về các nội dung liên quan đến đấu thầu trang thiết bị, vật tư, hàng hóa hoặc có thể đưa ra các nội quy, quy định trong nội bộ nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Đối với điểm b khoản 2 của Công văn về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu không trái với quy định của pháp luật, tuy nhiên lại không nêu chi tiết, cụ thể đối với từng hàng hóa nên dễ gây hiểu nhầm đây là yêu cầu chung đối với tất cả các loại mặt hàng gồm thuốc, trang thiết bị - vật tư, hóa chất, sinh phẩm…. Một số nội dung yêu cầu trong thực tiễn cũng không phù hợp, ví dụ: Dự kiến yêu cầu kỹ thuật, số lượng hàng hóa, phương pháp xây dựng giá kế hoạch và tiến độ mua sắm của năm kế hoạch được Hội đồng thuốc và Điều trị, Hội đồng Khoa học kỹ thuật hoặc Hội đồng mua sắm đấu thầu của đơn vị thông qua.
Đối với khoản 4 về việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu yêu cầu phải có cam kết của Thủ trưởng đơn vị thì chưa bảo đảm tính khả thi. Lãnh đạo đơn vị khi kí vào hồ sơ đề nghị đã phải chịu trách nhiệm về đề xuất của đơn vị và có giải trình lý do lựa chọn các hình thức đấu thầu này trong Tờ trình đề nghị rồi. Việc đề xuất và giải trình này cũng phải xuất phát từ đơn vị đầu mối,
các phòng chuyên môn, qua các bước, các quy trình thì mới phù hợp.

Sau khi các đại biểu thảo luận, Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế kết luận: 

1. Nội dung của Công văn không có quy định trái pháp luật và phù hợp với thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Hình thức ban hành dưới dạng Công văn là phù hợp.
2. Một số nội dung của Công văn chưa thực sự bảo đảm tính khả thi, do đó đề nghị Vụ Kế hoạch Tài chính tiến hành việc rà soát theo quy định của pháp luật và gửi kết quả về Vụ Pháp chế để tổng hợp
 

Tin khác