Kỹ thuật hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật

Đăng vào 21/07/2019 HỢP NHẤT VBQPPL

KỸ THUẬT HỢP NHẤT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

        Theo Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật số 01/2012/ UBTVQH13 ngày 22/3/2012 thì hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là việc đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó vào văn bản được sửa đổi, bổ sung theo quy trình, kỹ thuật quy định tại Pháp lệnh; việc hợp nhất phải bảo đảm sự đầy đủ, chính xác về nội dung của các văn bản được hợp nhất và không được làm thay đổi nội dung, hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật được hợp nhất. Trong đó: Văn bản được hợp nhất là văn bản sửa đổi, bổ sung và văn bản được sửa đổi, bổ sung. Văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành sau khi hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung.

        Văn bản hợp nhất chứa đựng toàn bộ quy phạm pháp luật của văn bản được hợp nhất và những nội dung thể hiện kỹ thuật hợp nhất văn bản, được hình thành theo một trình tự, thủ tục và kỹ thuật riêng, kết cấu theo một thể thức và kỹ thuật trình bày riêng, không hoàn toàn tuân theo thể thức của văn bản quy phạm pháp luật hay thể thức của văn bản hành chính.

        1. Thể thức trình bày văn bản hợp nhất

        Để thống nhất cách thức trình bày văn bản hợp nhất, Pháp lệnh quy định cụ thể về thể thức văn bản hợp nhất. Theo đó, thể thức văn bản hợp nhất bao gồm phần quốc hiệu, tiêu ngữ, tên văn bản hợp nhất, lời nói đầu, căn cứ ban hành, phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung và các nội dung được hợp nhất theo kỹ thuật quy định, phần quy định về việc thi hành, phần ký xác thực.

        2. Tên văn bản hợp nhất

        Do trên thực tế một văn bản có thể được sửa đổi, bổ sung nhiều lần so với nhiều tên gọi khác nhau và do chưa được hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung, nên đã gây ra những khó khăn, lung túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác định tên của văn bản được áp dụng, là tên văn bản được sửa đổi, bổ sung hay tên văn bản sửa đổi, bổ sung. Do vậy, khi tiến hành hợp nhất các văn bản được hợp nhất, cần phải thống nhất tên gọi của văn bản hợp nhất theo hướng ngắn gọn, thuận lợi cho quá trình viện dẫn, trích dẫn.

        Theo đó, Điều 12 Pháp lệnh quy định cụ thể về việc xác định tên văn bản hợp nhất là tên của văn bản được sửa đổi, bổ sung. Văn bản được sửa đổi, bổ sung có thể được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng tên của văn bản được ban hành lần đầu tiên là tên của văn bản hợp nhất.

        - Pháp lệnh quy định cụ thể cách trình bày tên văn bản hợp nhất. Tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và tên văn bản sửa đổi, bổ sung được liệt kê ngay sau tên văn bản hợp nhất. Kèm theo tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung phải ghi rõ số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành, tên cơ quan ban hành và ngày có hiệu lực của từng văn bản.

        3. Hợp nhất lời nói đầu

        Văn bản được sửa đổi, bổ sung có lời nói đầu được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thì việc hợp nhất lời nói đầu được thực hiện theo quy định tại các điều 14, 15 và 16 của Pháp lệnh.

        4. Hợp nhất phần căn cứ ban hành

        Trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại phần căn cứ ban hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chứ rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và căn cứ ban hành của văn bản sửa đổi, bổ sung.

        5. Hợp nhất nội dung được sửa đổi

        Văn bản được sửa đổi, bổ sung có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được sửa đổi thì số thứ tự của phần, chương, mục, điểu, khoản, điểm trong văn bản hợp nhất vẫn giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung.

        Trong văn bản hợp nhất có ký hiệu chú thích ngay tại phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được sửa đổi.

        - Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định sửa đổi phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ. Lưu ý, ở đây cần ghi rõ ngày có hiệu lực của quy định sửa đổi chứ không phải ngày có hiệu lực của văn bản sửa đổi. Thông thường, chỉ có một thời điểm có hiệu lực đối cả văn bản, tuy nhiên, trên thực tế cũng có những quy định có hiệu lực sớm hơn hoặc muộn hơn so với văn bản.

        5.1. Trình bày phần, chương, mục được sửa đổi

        Đối với phần, chương, mục được sửa đổi chỉ sử dụng một ký hiệu chú thích cho cả phần/chương/mục được sửa đổi mà không chú thích vào từng nội dung trong phần/chương/mục đó. Ký hiệu chú thích được đặt tại từ cuối cùng của tên phần/chương/mục được sửa đổi. Tại phần chú thích nêu rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định sửa đổi phần/chương/mục.

        5.2. Trình bày điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được sửa đổi

        - Đối với Điều được sửa đổi chỉ sử dụng 01 ký hiệu chú thích cho cả nội dung của điều mà không chú thích ở từng khoản, điểm của điều đó. Ký hiệu chú thích được đặt tại từ cuối cùng của tên điều. Trong trường hợp điều không có tên thì ký hiệu chú thích đặt sau số thứ tự của điều. Tại phần chú thích nêu rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định sửa đổi điều (không phải ngày có hiệu lực của văn bản, tuy nhiên, trừ một số trường hợp đặc biệt, còn lại các quy định này thường trùng với ngày có hiệu lực của văn bản);

        - Đối với khoản, điểm được sửa đổi thì tại mỗi khoản, điểm sửa đổi thì phải đặt một ký hiệu chú thích riêng ngay sau số thứ tự của khoản, điểm đó. Tại phần chú thích nêu rõ tên, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định sửa đổi khoản, điểm;

        - Đối với đoạn, cụm từ được sửa đổi thì tại mỗi đoạn, cụm từ sửa đổi phải đặt một ký hiệu chú thích riêng ngày sau từ cuối cùng của đoạn, cụm từ sửa đổi. Tại phần chú thích nêu rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định sửa đổi đoạn, cụm từ.

        6. Hợp nhất nội dung được bổ sung

        Văn bản sửa đổi, bổ sung có thể bổ sung cả một phần, một chương, một số mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ. Pháp lệnh quy định việc hợp nhất nội dung được bổ sung được thực hiện như sau:

        (i). Văn bản được sửa đổi, bổ sung có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung thì số thứ tự của phần, chương, mục, điều, khoản, điểm trong văn bản hợp nhất vẫn được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung.

        (ii). Việc sắp xếp phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung trong văn bản hợp nhất được thực hiện theo thứ tự quy định trong văn bản sửa đổi, bổ sung.

        (iii). Trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, mục từ được bổ sung.

        (iv). Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định bổ sung phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ.

        6.1. Trình bày phần, chương, mục được bổ sung trong văn bản hợp nhất.

      Đối với phần, chương, mục được bổ sung, ký hiệu chú thích được đặt tại từ cuối cùng trong tên của phần/chương/mục. Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải chú thích phần, chương, mục được bổ sung gồm các chương/mục/điều nào, ghi rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định bổ sung phần, chương, mục.

        6.2. Trình bày điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung trong văn bản hợp nhất

        - Đối với điều được bổ sung, ký hiệu chú thích được đặt tại từ cuối cùng của tên điều.

        - Đối với khoản, điểm được bổ sung, ký hiệu chú thích được đặt ngay sau số thứ tự của khoản, điểm.

        - Đối với đoạn, cụm từ được bổ sung, ký hiệu chú thích được đặt ngay sau từ cuối cùng của đoạn, cụm từ đó.

        - Tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải chú thích điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bổ sung theo quy định tại khoản, điểm, điều nào, ghi rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định bổ sung.

        7. Hợp nhất nội dung được bãi bỏ

       7.1. Văn bản được sửa đổi, bổ sung có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ được bãi bỏ thì trong văn bản hợp nhất không thể hiện nội dung được bãi bỏ. Tuy nhiên, để đảm bảo bố cục của văn bản gốc, số thứ tự phần, chương, mục, điều, khoản, điểm trong văn bản hợp nhất được giữ nguyên như văn bản được sửa đổi, bổ sung;

       7.2. Trong văn bản hợp nhất có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm được bãi bỏ thì phải có ký hiệu chú thích và ghi rõ cụm từ "được bãi bỏ" ngày sau số thứ tự của phần, chương, mục, điều, khoản, điểm đó.  

       7.3. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của các nội dung được bãi bỏ, Pháp lệnh quy định tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và ngày có hiệu lực của quy định bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm, đoạn, cụm từ.

        8. Thể hiện quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất 

        Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung có điều khoản quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, quy định chuyển tiếp thì trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại tên chương hoặc điều quy định về việc thi hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung, ngày có hiệu lực và các nội dung về việc thi hành trong văn bản sửa đổi, bổ sung.

        Trường hợp văn bản được sửa đổi, bổ sung không có chương hoặc điều về việc thi hành thì các nội dung này được thể hiện tại phần quy định về việc thi hành ở cuối văn bản hợp nhất, kèm theo tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung.

        Trường hợp cơ quan ban hành văn bản được hợp nhất có ban hành văn bản quy định về việc thi hành văn bản được hợp nhất thì trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại tên chương hoặc điều quy định về việc thi hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành của văn bản quy định về việc thi hành.

        Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung không có chương, điều về việc thi hành thì phải có ký hiệu chú thích tại phần quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành của văn bản quy định về việc thi hành.

        9. Thể hiện số và ký hiệu của văn bản hợp nhất

       - Số và ký hiệu của văn bản hợp nhất được thể hiện tại phần ký xác thực của văn bản hợp nhất, tức là phần cuối cùng của văn bản hợp nhất, tách biệt với phần nội dung của văn bản hợp nhất đã được trình bày trước đó.

       - Việc đánh số văn bản hợp nhất: Số của văn bản hợp nhất là số thứ tự của các văn bản hành chính của cơ quan ban hành trong năm.

        10. Thể hiện phần ký xác thực trong văn bản hợp nhất

       - Phần ký xác thực ở trang cuối cùng của văn bản hợp nhất, ngăn cách với nội dung hợp nhất bằng một đường kẻ liền.

       - Thể thức của phần ký xác thực gồm: tên cơ quan thực hiện việc hợp nhất; số, ký hiệu văn bản hợp nhất; cụm từ "XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT" (chữ in hoa, đậm); ngày tháng năm ký xác thực và chức vụ, chữ ký, họ tên của người ký xác thực cùng con dấu của cơ quan thực hiện việc hợp nhất; nơi nhận văn bản hợp nhất (gồm cơ quan đăng công báo, trang thông tin điện tử, các cơ quan khác có liên quan và lưu trữ).

 

Tin khác