Ngày 30/8/2022, Bộ Y tế đã tổ chức Đoàn khảo sát, đánh giá Luật Hiến, lấp, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tại Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên do Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm trưởng đoàn. Đoàn khảo sát của Bộ gồm đại diện Lãnh đạo, chuyên viên Vụ Pháp chế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Qua công tác khảo sát, đánh giá cho thấy, nhìn chung, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cũng đã có chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trên địa bàn tỉnh về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có hoạt động ghép mô, bộ phận cơ thể người trên địa bàn được Sở Y tế Thái Nguyên lồng ghép trong công tác kiểm tra chất lượng bệnh viện hằng năm.
Trong thời gian thảo luận, các đơn vị đã kiến nghị một số nội dung sau:
1. Đối với công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác:
- Cần có các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực làm công tác tuyên truyền, vận động về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác tại các bệnh viện, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần xây dựng, ban hành các tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động về nội dung này.
- Cần có quy chế phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế, bệnh viện với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác;
- Cần có chế độ cho người tham gia công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác và cơ chế để những người đã hiến tham gia công tác tuyên truyền, vận động cùng với các cơ sở.
- Cần bố trí kinh phí cho việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác tại các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
2. Đối với hoạt động lấy, ghép thận thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên:
- Nguồn tạng ghép hiếm và vướng một phần từ thủ tục pháp lý nên đề xuất thủ tục pháp lý đơn giản hơn.
- Độ tuổi người hiến chế não cần giảm độ tuổi xuống.
- Chế độ hiện nay chưa có quy định rõ ràng về chế độ cho người ghép, sàng lọc thận và việc chi trả chi phí kiểm tra các thông số sinh học của người hiến.
- Trong mã thanh toán bảo hiểm y tế chỉ có mã ghép thận tự thân mà đây là ghép từ người khác nên không đúng bản chất nên đề xuất xem xét sửa lại mã này.
- Nên có cơ chế pháp lý rõ ràng đối với người cho và người nhận không cùng huyết thống để các bệnh viện thực hiện thống nhất.
- Bộ Y tế xem xét chỉ đạo Trung tâm có kế hoạch phân và bố trí cho các vùng, miền để có hỗ trợ nguồn tạng ghép cho các bệnh viện ở xa trung tâm có nguồn tạng ghép.
- Chính sách về ghi danh, tôn vinh có thể giao cho các đơn vị để có vinh danh, đãi ngộ kịp thời
- Cần có chế độ đối với người hiến thận sống đã có thẻ bảo hiểm y tế.
- Cần có chế độ cho người tái khám hoặc bị mắc bệnh sau khi hiến.
3. Đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác:
- Máu và tế bào gốc chưa có quy định tại Luật và phải triển khai dưới dạng đề tài và phương pháp mới, kỹ thật mới. Đề nghị bổ sung vấn đề máu, tế bào gốc trong dự thảo Luật sửa đổi.
- Độ tuổi hiến mô: Luật quy định từ đủ 18 tuổi nhưng trong trường hợp chết não nhiều bệnh nhi trẻ cần có tạng hiến từ người hiến trẻ em nên trong trường hợp người dưới 18 tuổi chết não mà có người giám hộ hợp pháp đồng ý thì cần mở rộng độ tuổi hơn.
- Thủ tục, hình thức đăng ký: Cần xem xét vì đối với người hiến trực tiếp thì cá nhân ở địa phương có thể thực hiện được nhưng những trường hợp người không thể hiến trực tiếp nên cần xem xét thủ tục trực tuyến đối với một số đối tượng cần thiết và giảm bớt thủ tục hành chính.
- Xác định chết não: Nên là Hội đồng xác định chết não và nên quy định các bệnh viện đủ điều kiện mới thành lập.
Về chuyên gia trong Hội đồng xác định chết não: Ngoài các chuyên gia cố định là hồi sức tích cực còn cần các chuyên gia khác do đơn vị căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để bổ sung.
Thời gian xác định chết não cần cân nhắc theo từng bệnh nên mở thời gian từ 06-12h.
- Quy định về Trung tâm Điều phối: Mạng lưới điều phối về các cơ sở, hằng năm cần có rà soát lại các đơn vị đủ tiêu chuẩn. Cần đưa ra cơ chế phối hợp giữa Trung tâm Điều phối với đơn vị điều phối cơ sở, yêu cầu hoạt động.
- Về kinh phí: Cần có phụ cấp kinh phí cho người lấy, ghép tạng.
- Đối với cơ sở đào tạo có sử dụng xác người hiến: Cần có quy định đối với trường hợp sử dụng xác vô thừa nhận, vấn đề về mai táng, chi phí khi không còn sử dụng xác người hiến.
Sau khi thảo luận, Đoàn khảo sát, đánh giá kiến nghị:
1. Đối với Sở Y tế Thái Nguyên:
- Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đến các cán bộ, công chức, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cần tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh trong tuyên truyền, phổ biến, vận động cho người dân trên địa bàn tỉnh về hoạt động này.
- Giao nhiệm vụ và hướng dẫn, tổ chức thực hiện cho các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đến các cán bộ, viên chức trên địa bàn tỉnh.
- Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh có thực hiện hoạt động đăng ký hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và tiếp nhận, sử dụng xác người hiến trong giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời xem xét đưa hoạt động ghép mô, bộ phận cơ thể người vào tiêu chí kiểm tra chung của Bệnh viện hằng năm.
- Cần bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo liên quan đến hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
2. Đối với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên:
- Cần tiếp tục duy trì, bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện kỹ thuật ghép thận từ người cho sống đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
- Đề nghị bổ sung thành lập Hội đồng tư vấn lấy, ghép bộ phận cơ thể người theo đúng quy định tại Điều 15 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và Quyết định số 06/2008/QĐ-BYT.
- Về triển khai hoạt động ghép thận từ người cho sống:
+ Đề nghị rà soát lại các quy trình chuyên môn, quy trình hành chính pháp lý liên quan đến hoạt động ghép thận từ người cho sống để bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó đặc biệt là các quy định liên quan đến phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người.
+ Đề nghị Bệnh viện nghiên cứu, trong thời gian tới nên có định hướng để phát triển hoạt động ghép thận tại Bệnh viện từ người cho chết não.
- Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền, vận động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cho nhân viên y tế và người dân trên địa bàn tỉnh.
3. Đối với Trường Đại học Y dược Thái Nguyên:
- Cần rà soát, bảo đảm các điều kiện cho việc tiếp nhận và sử dụng xác người hiến đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu của Trường.
- Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cho cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động này.
4. Đối với các tổ chức đoàn thể (Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận tổ quốc…) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên:
Để phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác cho người dân trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận tổ quốc tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm thực hiện các hoạt động sau:
- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác chuyên đề hoặc lồng ghép trong kế hoạch tuyên truyền, vận động hằng năm của tổ chức;
- Đẩy mạnh phối hợp liên ngành với Sở Y tế, cơ sở y tế và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác;
- Quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực làm công tác tuyên truyền, vận động về hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, đặc biệt là mạng lưới nhân lực làm công tác tuyên truyền ở cơ sở và bố trí kinh phí cho việc triển khai hoạt động này.