Tọa đàm với doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm ngày 02/12/2021

Thu Phương Đăng vào 02/12/2021 Tin hoạt động của Vụ

 Để trao đổi, cung cấp thông tin về thực trạng thi hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, đồng thời nhằm cung cấp thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm quốc tế về quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, ngày 02/12/2021, được sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi tọa đàm với doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan. Tọa đàm còn có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO với các hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan.

     Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: 

     Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (I-ốt, vitamin A, sắt, kẽm…) ở nước ta vẫn khá cao, tập trung nhiều nhất ở vùng nông thôn và miền núi khó khăn. Việt Nam vẫn đang nằm trong 21 nước bị thiếu I-ốt.

Việt Nam đã có quá trình lâu dài duy trì chính sách, pháp luật về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong các văn bản pháp luật như: Luật An tàn thực phẩm 2010, Nghị định số 19/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về việc sản xuất và cung ứng muối iốt cho người ăn Nghị định số 163/2005/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng muối I-ốt cho người ăn. Quyết định 226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của TTCP Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đặc biệt, ngày 29/01/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm góp phần phòng ngừa chủ động đối với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt.

Tọa đàm đã được nghe báo cáo của Viện Dinh dưỡng về kết quả khảo sát, đánh giá thực tiễn việc thực hiện Nghị định số 09/2016/NĐ-CP và Cập nhật thông tin khoa học và xu hướng toàn cầu làm giàu vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm đến từ đại diện UNICEF

Đại diện các hiệp hôi, doanh nghiệp cũng đã có các bài tham luận Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP như Báo cáo Tình hình thực hiện của các doanh nghiệp thuộc Hội Lương thực, thực phẩm Việt Nam đối với quy định tăng cường sắt và kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm, Báo cáo Tình hình thực hiện của doanh nghiệp CALOFIC đối với quy định tăng cường Vitamin A vào dầu thực vật…

Trao đổi ý kiến tại Tọa đàm, các doanh nghiệp đã nêu ra những khó khăn bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP và đề xuất kiến nghị việc bổ sung vi chất dinh dưỡng chỉ nên khuyến khích chứ không bắt buộc áp dụng đối với tất cả các loại thực phẩm. Trao đổi với các doanh nghiệp, đại diện các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và dinh dưỡng tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng đã đưa ra các bằng chứng cho thấy rõ, việc tăng cường vi chất có làm tăng chi phí nhưng không đáng kể, dễ chấp nhận; các doanh nghiệp không gặp khó khăn về công nghệ, nếu có phát sinh chi phí thì cũng được tính vào giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, không có bằng chứng cho thấy việc sử dụng muối i-ốt gây ra những thay đổi bất lợi về cảm quan của người tiêu dùng hay làm thay đổi chất lượng thành phẩm. Bản thân các doanh nghiệp cũng không đưa ra được các bằng chứng khoa học hay thực tế để chứng minh cho các mối nghi ngờ của doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, đại diện cơ quan chủ trì Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đánh giá cao các cơ quan bộ ngành, các chuyên gia cũng như các hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cung cấp cho buổi Tọa đàm nhiều thông tin khoa học bổ ích về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm cũng như những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Ban Tổ chức Tọa đàm sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các nhà khoa học và các chuyên gia, các nhà quản lý, hoàn thiện tốt nhất bản báo cáo đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tin khác