Họp góp ý Đề cương báo cáo đánh giá thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

Thu Phương Đăng vào 28/10/2021 Tin hoạt động của Vụ

Ngày 28 tháng 10 năm 2021, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã chủ trì họp góp ý Đề cương báo cáo đánh giá thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. 

Tham dự cuộc họp có đại diện: các đơn vị thuộc Bộ Y tế: Cục An toàn thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách y tế, viện Kiểm nghiện an toàn thực phẩm quốc gia, Bệnh viện Nội tiết, Đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và một số chuyên gia. 

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã được nghe bài trình bày Đề cương Báo cáo đánh giá Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và thảo luận các vấn đề như sau: 

Một, ý kiến góp ý về định hướng, kết cấu của đề cương báo cáo;

Hai, hiện nay việc đánh giá Nghị định 09/2016/NĐ-CP vẫn đang đánh giá dựa trên trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan, cách thứ 2 là đi theo từng vấn đề nội dung cần báo cáo. Như vậy dự thảo Đề cương báo cáo nên phân công theo lĩnh vực hay trách nhiệm của từng bộ ngành, đề nghị các đại biểu cho ý kiến.

Ba, cách thức đặt câu hỏi để lấy các số liệu cần thiết đã phù hợp chưa?

Bốn, trách nhiệm, đầu mối của báo cáo có cần bổ sung không?

Các đại biểu tham dự cuộc hợp cơ bản nhất trí việc cần có Báo cáo đánh giá thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP, vậy thông tin lấy từ đâu, cách thức thế nào? và cũng nêu rõ Nghị định 09/2016/NĐ-CP được ràng buộc bởi Nghị định 38/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2018/NĐ-CP, tất cả các thông tin liên quan đến bột mì, dầu bổ sung vitamin A, muối, muối bổ sung i ốt tra lại sẽ biết các sản phẩm này được đơn vị nào công bố. Từ 02/02/2018 các sản phẩm bao gói sẵn nói chung giao về địa phương, địa phương giao Sở Y tế hoặc Sở Nông nghiệp, Sở Công thương tự công bố. Ở mỗi địa phương theo đặc điểm của vùng miền sẽ được căn cứ để có báo cáo hoàn chỉnh: có bao nhiêu doanh nghiệp, bán bao nhiêu, nhập về bao nhiêu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của từng Bộ: sản xuất kinh doanh của Bộ nào thì Bộ đấy báo cáo; một số vướng mắc cần được giải quyết như Nghị quyết 19-2018/NQ-TW đi trái với Nghị định 09/2016/NĐ-CP, như vậy doanh nghiệp sẽ không nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, cần quyết liệt thanh tra kiểm tra, xử phạt và đưa lên truyền thông: kiểm tra quy trình sản xuất, thông tin trong quy trình sản xuất, hồ sơ nguyên liệu, hồ sơ thành phẩm.

Kết luận cuộc họp, Bà Trần Thị Trang cho biết:

- Vụ Pháp chế sẽ làm song song Đề cương chi tiết Báo cáo Chính phủ thực hiện 5 năm Nghị định 09/2016/NĐ-CP và kiến nghị của Bộ Y tế liên quan đến nội dung thực hiện Nghị định 09/2016/NĐ-CP, qua đó đề xuất tiếp tục thực hiện Nghị định

- Về Đề cương thu thập thông tin: Vụ Pháp chế sẽ tách làm 3 bảng theo 3 đối tượng, trên cơ sở mỗi đối tượng sẽ có form mẫu chung, sẽ chú ý đến đặc thù của từng bộ ngành Khối doanh nghiệp các câu hỏi đưa ra các vấn đề sẽ phải sát, chỉ đưa ra các nguyên nhân chủ yếu về vấn đề khó khăn, về kỹ thuật và tài chính

- Phân tách ra khối doanh nghiệp Doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh đối với các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 09/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm theo quy định của Nghị định 09/2016/NĐ-CP là phải bổ sung vi chất dinh dưỡng, doanh nghiệp kinh doanh buôn bán vi chất dinh dưỡng

- Cách thức tiến hành vẫn sẽ lấy từ các đầu mối cơ quan quản lý nhà nước./.

Tin khác