Ngày 28/10/2021, dưới sự chủ trì của Ths. Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Vụ Pháp chế đã tổ chức họp thẩm định ban hành quy trình và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y thay thế Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế về ban hành quy trình giám định pháp y.
Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo và Chuyên viên Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Đại diện các Bộ Tư pháp, Quốc phòng; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế: Thanh tra Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ; đại diện các đơn vị khối pháp y như Hội Pháp y học Việt Nam, Viện Pháp Y Quốc gia, Trung tâm Pháp y thành phố Hà Nội, Trung tâm Pháp y tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Pháp y thành phố Hải Phòng, Trung tâm Pháp y tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Pháp y tỉnh Bắc Ninh.
Chương trình cuộc họp thẩm định dự thảo Thông tư quy trình và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y thay thế Thông tư số 47/2013/TT-BYT ban hành quy trình giám định đã nghe đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh trình bày một số vấn đề liên quan đến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 47/2013/TT-BYT trong đó đặc biệt nêu rõ: Sự cần thiết ban hành Thông tư; Các quy định dự thảo Thông tư thay đổi so với Thông tư số 47/2013/TTBYT; Lý giải những khó khăn, bất cập của Thông tư số 47/2013/TT-BYT, trên cơ sở đó xây dựng Thông tư thay thế.
Theo đó, các đại biểu tham dự họp đã đưa ra các câu hỏi để làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến dự thảo Thông tư và tham gia góp ý trực tiếp dự thảo Thông tư.
Kết luận cuộc họp, Ths. Đỗ Trung Hưng có ý kiến như sau:
Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo lưu ý, bổ sung hoàn thiện hồ sơ một số vấn đề sau:
- Thông tư được ban hành áp dụng chung đối với tất cả các cơ quan, giám định viên trên toàn quốc. Tuy nhiên, hồ sơ Quý Cục gửi Vụ Pháp chế đề nghị thẩm định chưa có ý kiến góp ý của Bộ Công an - 1 trong 3 đối tượng chính áp dụng Thông tư này.
- Vụ Pháp chế thẩm định và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với Thông tư, còn đối với nội dung chuyên môn, quy trình giám định phải được thông qua Hội đồng chuyên môn. Tuy nhiên đến thời điểm thẩm định, nội dung chuyên môn của Thông tư chưa được Hội chuyên chuyên môn thông qua.
-Trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định và kết luận chuyên môn của Hội đồng chuyên môn, đề nghị Quý Cục tiếp tục rà soát, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư.
- Đề nghị Quý Cục làm rõ một số vấn đề liên quan đến tổ chức giám định và quy trình thực hiện giám định.
- Về nội dung của dự thảo Thông tư:
+ Đề nghị xác định vị trí và vai trò của tổ chức giám định trong quy trình tố tụng, đây là quy trình hỗn hợp bao gồm quy trình chuyên môn và quy trình hành chính. Căn cứ vào pháp luật tố tụng, cần phải xác định rõ trách nhiệm pháp lý của tổ chức giám định và giám định viên phát sinh bắt đầu từ thời điểm nào?
+ Đề nghị rà soát lại tất cả các quy trình, bắt đầu từ thời điểm trưng cầu, thời hạn giám định, tiếp nhận hồ sơ, quy trình tiếp nhận, các giấy tờ, văn bản, tài liệu bắt buộc phải có, những văn bản, tài liệu có thể có hoặc không?
+ Về vấn đề phân công giám định viên thực hiện giám định: Hiện tại dự thảo Thông tư chưa quy định bằng cấp của giám định viên được khám giám định tương ứng với lĩnh vực nào, do vậy, dự thảo Thông tư nên quy định theo hướng Thủ trưởng cơ quan giám định được phân công giám định viên có năng lực phù hợp.
+ Đề nghị rà soát lại về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giám định đối với các tổ chức thực hiện giám định. Cân nhắc việc không quy định cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, mà chỉ quy định về phương thức thực hiện để bảo đảm việc các tổ chức giám định thực hiện quy trình giám định về cơ bản phải thực hiện giống nhau.
+ Văn bản ghi nhận quá trình giám định: Đề nghị rà soát lại về văn bản này, tạo ra công việc cho giám định viên tuy nhiên không cần thiết. Việc quan trọng là quy trình được thực hiện đúng trình tự các bước và ghi nhận cuối cùng là kết luận giám định pháp y.
+ Trong các quy trình giám định cần lưu ý đến điều kiện vật chất và điều kiện địa điểm./.