Ngày 1/10/2021, Vụ Pháp chế Bộ Y tế đã tổ chức Họp góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Tham dự cuộc họp có: Đại diện một số Bộ, ngành: Cục Quân y - Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp…; Đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Vụ Bảo hiểm y tế; Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng; Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương; Đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương; Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Đại diện Bệnh viện Việt Đức; Đại diện một số đơn vị và chuyên gia có liên quan
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe bài trình bày về dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi).
Tham dự cuộc họp, các Đại biểu đã thảo luận về các nội dung:
Một là, tên các chính sách đưa ra đã bảo đảm phù hợp chưa? Các giải pháp đề xuất trong mỗi chính sách đã bảo đảm phù hợp, khoa học và khả thi để đưa ra lựa chọn chưa?
Hai là, chính sách về hội đồng xác định chết não: dự thảo đang ghép với phân tuyến bệnh viện. Vậy có cần thiết phải đặt ra tuyến chuyên môn không? Và có cần đặt ra Hội đồng xác định chết não không hay chỉ quy định thành phần chuyên gia? Nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí chuyên môn thì thành phần nào là đủ?
Ba là, đánh giá tác động kinh tế xã hội từng chính sách: Cần đánh giá cụ thể hơn về các tiêu chí kinh tế, tiêu chí xã hội. Ví dụ đối với hạ độ tuổi người hiến sống: cần đánh giá về kinh tế (phục hồi sức khoẻ bao nhiêu, chi phí tài chính sau này…).
Sau khi thảo luận, Ths. Trân Thị Trang cho biết:
- Nhất trí với 03 nhóm chính sách dự kiến đánh giá.
- Tổng quan, vấn đề bất cập: cần phải làm rõ 02 vấn đề về mô, ghép bộ phận cơ thể người. Phải đánh giá được thực trạng vấn đề hiến, lấy, ghép, chất lượng của việc lấy, ghép. Rà soát, bổ sung số liệu ở thế giới, Việt Nam, từ đó có cơ sở đề xuất chính sách giải quyết vấn đề.
- Mục tiêu cần rà soát thêm.
- Bố cục của các chính sách: Phương án các chính sách phương án tốt nhất là phương án 01, cuối cùng mới là như hiện trạng.
- Cần phải đánh giá đối Nhà nước, người dân, cơ sở y tế. Đề tránh trùng lắp giữa các phương án và để số liệu ở giải pháp sát nhất và nên tập trung nhiều vào giải pháp tốt hơn, ưu việt hơn, giải pháp không tốt nên phân tích nhiều vào những hạn chế
- Độ tuổi người hiến: Người hiến sau khi chết không giới hạn về độ tuổi.
- Người hiến sống sẽ phân độ tuổi: Cùng huyết thống từ đủ 18 tuổi trở lên, không cùng huyết thống từ đủ 30 tuổi trở lên, nếu độ tuổi giới hạn lớn hơn nữa sẽ thu hẹp người hiến quá.
- Nên đánh giá thêm số liệu về định lượng
- Chính sách về bảo đảm quyền lợi: Tổng quan cần phân tích nhiều về quyền lợi, hiện nay bao gồm quyền lợi gì (sống, sau khi chết) quyền lợi người hiến, người thân người hiến. Giải pháp phải phân ra quyền lợi về kinh tế cần đánh giá chi tiết, cụ thể hơn về các vấn đề như chăm sóc sức khoẻ…
Quyền lợi đối với người hiến có thể xem xét tách riêng ra về tinh thần, tôn vinh; vấn đề chi trả cho người hiến và người ghép.
Giải pháp thành lập quỹ: Trong luật nên khuyến khích cơ sở thành lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội để hạn chế việc mua bán mô, bộ phận cơ thể người.
- Chính sách 03 hội đồng xác định chết não: Hiến ở người sau khi chết. Sau khi chết trường hợp nào cần phải xác định chết não. Nên theo phương án hướng tới hội đồng độc lập, hội đồng linh hoạt để bất cứ cơ sở nào khi cần cũng đều có. Có thể xem xét phương án Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có thể cung cấp danh sách chuyên gia toàn quốc để Lãnh đạo cơ sở khám, chữa bệnh lựa chọn danh sách chuyên gia đáp ứng tiêu chuẩn trong danh sách đó.
- Cần chú ý đến vấn đề giới, chi phí hiệu quả của từng phương án đánh giá tác động chính.
- Bổ sung thêm chính sách về tế bào gốc, máu làm cơ sở cho việc bổ sung quy định sau này.
- Trong thời gian tới sẽ tổ chức thành các Hội thảo chuyên đề, đánh giá sâu về vấn đề này, trong đó mời thêm bài trình bày của các chuyên gia về y tế, pháp lý, giới…