Hội thảo cung cấp thông tin về quy định ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm

Phan Hiếu Đăng vào 23/06/2021 Tin hoạt động của Vụ

Ngày 23/6/2021, dưới sự chủ trì của ThS. Trần Thị Trang, Vụ Pháp chế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về quy định ghi nhãn dinh dưỡng thực phẩm trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Hiện nay, tại Việt Nam việc ghi nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm tiêu dùng chưa có sự thống nhất, chưa cung cấp đầy đủ thông tin đến người tiêu dùng. Pháp luật ghi nhãn chưa có quy định thành phần dinh dưỡng nào trong thực phẩm bắt buộc phải công khai trên nhãn, việc ghi thông tin về hàm lượng các chất dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa hoàn toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm tự nguyện thực hiện. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam ngày càng tăng tiêu dùng thực phẩm bao gói sẵn, chế biến sẵn và mất cân đối dinh dưỡng. Dẫn đến các chỉ số sức khỏe bất lợi liên quan đến dinh dưỡng của người Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, tử vong. Tình trạng thừa cân - béo phì do mất cân bằng dinh dưỡng đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người trưởng thành, đặc biệt là ở khu vực đô thị, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của học sinh còn cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn và nhóm học sinh trung học.

Nó làm tác động tiêu cực về sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, tử vong. Làm tăng bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, đái tháo đường, đột quỵ…và tăng gánh nặng bệnh tật: 77% số ca tử vong, 66% gánh nặng bệnh tật VN là do bệnh không lây nhiễm gây ra.

Bên cạnh đó, còn gây ra hậu quả về kinh tế - xã hội, như: Tăng chi phí khám chữa bệnh; chi phí đầu tư cho hệ thống y tế; quá tải bệnh viện và gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH, sức khỏe cộng đồng.

Trên cơ sở đó, nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe, tầm vóc, chất lượng cuộc sống người Việt Nam và tạo môi trường phát triển bền vững cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm lành mạnh thì giải pháp tốt nhất hiện nay đối với thực phẩm bao gói sẵn sản xuất, nhập khẩu để kinh doanh tại Việt Nam phải ghi thông tin dinh dưỡng trên nhãn các chỉ tiêu sau đây: Tổng giá trị năng lượng; Hàm lượng đạm; Hàm lượng carbonhydrate có sẵn; Hàm lượng chất béo (bao gồm hàm lượng chất béo chuyển hóa/chất béo bão hòa); Hàm lượng natri; tổng đường

Các chỉ tiêu trên sẽ được thực hiện ngay từ thời điểm Nghị định sửa đổi NĐ 43/2017/NĐ-CP có hiệu lực và giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thông tin, cách ghi nhãn dinh dưỡng theo loại thực phẩm phù hợp, thực phẩm được miễn ghi một số chỉ tiêu dinh dưỡng

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã nêu thêm những căn cứ, bằng chứng chứng minh cho việc không ghi nhãn thực phẩm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, người sử dụng thực phẩm và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước như thế nào. Các đại biểu cũng nhất trí cao với kết luận của chủ trì Hội thảo việc Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn thông tin, cách ghi nhãn dinh dưỡng theo loại thực phẩm phù hợp, thực phẩm được miễn ghi một số chỉ tiêu dinh dưỡng sau khi Nghị định sửa đổi NĐ 43/2017/NĐ-CP có hiệu lực./.

Tin khác