Hội thảo xin ý kiến góp ý Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh

Phan Hiếu Đăng vào 26/03/2021 Tin hoạt động của Vụ

Ngày 26/3 tại thành phố Đà Nẵng và ngày 09/4 tại thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Ths. Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xin ý kiến góp ý Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đối với các chuyên đề chức năng chuyên môn và chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ths. Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu khai mạc

Tham dự Hội thảo về phía Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo và Vụ Pháp chế. Về phía đại biểu địa phương tham dự có đại diện Sở Y tế, các bệnh viện, phòng khám, các trường đại học y, dược trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hội thảo, về cơ bản các đại biểu tham dự đều thống nhất các quy định như dự thảo Luật, bên cạnh đó cũng đã đóng góp thêm nhiều ý kiến quý báu để hoàn thiện hơn dự thảo Luật này, cụ thể như về vấn đề đào tạo, thi và cấp chứng chỉ hành nghề đối với các chức danh; các văn bằng được tham gia thi đánh giá năng lực để cấp chứng chỉ hành nghề đối với các chức danh tương ứng; Lộ trình thực hiện và quy định chuyển tiếp chứng chỉ hành nghề.

Toàn cảnh Hội thảo

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu, Ths. Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế kết luận một số vấn đề cơ bản như sau:

 Đối với các chức danh nghề nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Bác sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Cấp cứu viên ngoại viện; Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Các trường hợp được thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mà không cần cấp chứng chỉ hành nghề:

1. Người đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào Việt Nam để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh;

2. Y sỹ, y tá được tuyển dụng chỉ để phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc khi tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân theo chương trình kết hợp quân dân y tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hải đảo, biên giới theo quy định của Chính phủ;

3. Các đối tượng khác làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc một trong các chức danh nghề nghiệp trên;

4. Học viên, sinh viên, học sinh đang học trong khối ngành sức khỏe chỉ được thực hành khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp trên người bệnh dưới sự hướng dẫn, giám sát của người hành nghề. Người hành nghề phải chịu trách nhiệm về quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh của học viên, sinh viên, học sinh.

- 02 điều kiện để được hành nghề, bao gồm: Đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng chỉ hành nghề trừ trường hợp không cần cấp chứng chỉ hành nghề và đã thực hiện việc đăng ký hành nghề.

Về điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề thì tuỳ từng đối tượng cụ thể sẽ phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Đối với các đối tượng: bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và cấp cứu viên ngoại viện: Đạt kết quả tại kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Hoàn thành việc thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian 12 tháng

2. Đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền: Giấy chứng nhận là lương y đối với đối tượng lương y; Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền

Ngoài ra, còn phải đáp ứng các yêu cầu chung:

1. Có đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

2. Không thuộc một trong các trường hợp cấm hành nghề.

Tin khác