Hội nghị phổ biến xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh sử dung sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thu Phương Đăng vào 30/01/2021 Tin hoạt động của Vụ

        Ngày 29 tháng 01 năm 2021 tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị "Phổ biến quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo" nhằm giới thiệu Nghị đinh số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, đồng thời phổ biến các chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế.

       Tham dự Hội nghị có sự tham gia của Bà Đỗ Hồng Phương - Chuyên gia dinh dưỡng của Unicef, đại diện các Sở Y tế, Bệnh viện Sản Nhi tại khu vực phía Nam.

        Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Trong đó nhấn mạnh đến các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông, quảng cáo, trách nhiệm trong kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trên cơ sở khuyến khích bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ - thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Ts. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - chủ trì Hội nghị

        Tại Hội nghị, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã có bài trình bày khái quát về các quy định của Nghị định số 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Trong Nghị định 100 đã quy định rất rõ về việc quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ. Theo Điều 6 của Nghị định về việc quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ,  Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức.

        Việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng phải luôn có nội dung: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ".

         Nội dung quảng cáo phải nêu rõ "Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi".
Về nhãn sản phẩm sữa, Nghị định 100 cũng quy định: Phải có dòng chữ cao từ 2mm trở lên: "CHÚ Ý": Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp trẻ phòng chống tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh khác". Phải có chữ thường: "Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Pha chế theo đúng hướng dẫn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh. Trên nhãn sản phẩm phải ghi rõ độ tuổi phù hợp của trẻ khi dùng sản phẩm. Nhãn sản phẩm không có hình ảnh trẻ nhỏ, bà mẹ cho con bú, bình bú...

        Về sản phẩm bình bú, vú ngậm nhân tạo, trên nhãn dán bình bú phải có chữ in thường: "Thực hiện đúng hướng dẫn vệ sinh, tiệt khuẩn. Việc sử dụng bình bú có thể làm cho trẻ bỏ bú mẹ và có nguy cơ bị tiêu chảy". Đối với nhãn dán vú ngậm nhân tạo phải có dòng chữ: "Sử dụng vú ngậm nhân tạo ảnh hưởng không tốt tới việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ".

  Theo kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020 công bố mới đây cho biết: tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt 45,4% (năm 2015 tỷ lệ này là 22,7%); tỷ lệ trẻ 12 23 tháng tuổi tiếp tục được bú sữa mẹ là 26,0%. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong thực hành nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian qua, nhưng hiện nay các hoạt động marketing tràn lan và không có đạo đức về các sản phẩm thay thể sữa mẹ trên các kênh truyền thông đang có tác động tiêu cực đến quyết định chọn lựa và khả năng bà mẹ cho nuôi con bằng sữa mẹ tối ưu, ảnh hưởng đến những nỗ lực cải thiện tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.

           Những vi phạm phổ biến của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện các quy định của Nghị định 100/2014/NĐ-CP như: Hạn chế thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ; Vẫn có những hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn chỉ trong 04 tháng đầu; Nhận các tài liệu, thông tin, giáo dục truyền thông từ các công ty sữa và dán/treo trong bệnh viện; Nhận quà, vật phẩm, sản phẩm mẫu, sãn phẩm tặng miễn phí và các lợi ích vật chất khác từ công ty sữa.

            Để giảm bớt các vi phạm của Nghị định 100 và tăng tính răn đe, ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó quy định cụ thể từng hành vi và mức xử phạt tương ứng đối với các vi phạm của Nghị định này.

           Tại các Điều 49, 50, 51 quy định mức xử phạt nếu vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

           Trong đó, vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ có các mức phạt từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng, vi phạm các quy định về quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ có thể bị phạt từ 20 triệu đồng - 50 triệu đồng, vi phạm quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ có mức phạt cao nhất từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tổ chức trưng bày sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi tại cơ sở y tế; trưng bày tên, logo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cơ sở y tế; Áp dụng các biện pháp khuyến mại đối với sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng, tính điểm cộng thưởng, giảm giá hoặc bất kỳ hình thức nào khác; Thực hiện hoặc hỗ trợ việc thông tin, giáo dục, truyền thông liên quan đến nuôi dưỡng trẻ nhỏ nhằm tuyên truyền, giới thiệu, thúc đẩu việc kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.

Toàn cảnh Hội thảo

           Hội nghị là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các bệnh viện sản - nhi trên toàn quốc hiểu rõ hơn về những nội dung xử phạt mới để thống nhất thực hiện, góp phần khuyến khích, hỗ trợ và bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tin khác