An toàn giao thông đã và luôn là vấn đề mang tính toàn cầu và là thách thức của mỗi quốc gia. Để đánh giá thực hiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông có liên quan đến lĩnh vực y tế và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, đặc biệt là vấn đề tai nạn giao thông liên quan đến các yếu tố nguy cơ nhằm tạo cơ sở đề xuất trong nội dung dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Ngày 11/3/2021, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông trong lĩnh vực y tế dưới sự chủ trì của Ts. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế.
Tham dự Hội thảo có sự góp mặt của Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công An; Ts. Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế; Bà Kiều Thị Diễm - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông, Bộ Giao thông vận tải; Bà Trần Bích Phượng - Điều phối chương trình An toàn giao thông tại VIệt Nam - Tổ chức GHAI.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của Đại diện một số các đơn vị thuộc Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp, Giáo dục và đào tạo, Lao động, Thương binh và xã hội; đại diện các đơn vị Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Đại diện các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đại diện một số Sở ban ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số Hội thuộc lĩnh vực y tế.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ts. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết:
Thống kê mỗi năm trên thế giới, có khoảng 1,5 triệu người chết, 50 triệu người bị ảnh hưởng do liên quan đến tai nạn giao thông. Trong đó, thiệt hại do TNGT ước khoảng 1.500 tỷ USD mỗi năm (chiếm 2,5% GDP toàn cầu). Mỗi năm, tại Việt Nam, trung bình xảy ra hơn 18,000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm gần 10,0000 người chết và khoảng 15,000 người khác bị thương. Trong đó, khoảng 1,500 trẻ em dưới 18 tuổi là nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam gây thiệt hại khoảng 2 - 5% GDP/năm, tương đương với thiệt hại 300 - 500 triệu tỷ đồng mỗi ngày.
Hậu quả của tai nạn giao thông ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, để lại hậu quả nặng nề với người bị tai nạn giao thông và gia đình họ. Trong đó có sức ép và gánh nặng lên hệ thống y tế nước ta vốn đã quá tải trong việc tham gia giải quyết các hậu quả tai nạn giao thông.
Ts. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Phát biểu khai mạc Hội thảo
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi trong khi Bộ Công an chủ trì xây dựng mới Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phạm vi điều chỉnh của cả hai dự thảo Luật trên bao gồm các nội dung liên quan đến 5 yếu tố hành vi nguy cơ về an toàn giao thông đường bộ và liên quan trực tiếp đến trách nhiệm và mục tiêu của Bộ Y tế về bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ của người tham gia giao thông, bao gồm: phòng ngừa lái xe uống rượu, bia; yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm của người tham gia giao thông, yêu cầu về việc trang bị mũ bảo hiểm phù hợp cho trẻ em dưới 6 tuổi; quy định bắt buộc về trang bị và thắt dây an toàn trên xe ô tô; quy định về các thiết bị bảo vệ an toàn cho trẻ em trên xe ô tô; quy định về tốc độ và biển báo an toàn, đặc biệt là ở các khu vực trước cổng trường học, bệnh viện, khu dân cư; các biện pháp tuần tra và kiểm soát giao thông đường bộ nhằm bảo đảm an toàn giao thông; đào tạo lý thuyết và thực hành lái xe an toàn cho trẻ em từ 16 - 18 tuổi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, và xe gắn máy có dung tích dưới 50cc khi tham gia giao thông, tiêu chuẩn sức khỏe của lái xe.
Kết quả của Hội thảo ngày hôm nay sẽ được Bộ Y tế tổng hợp gửi các Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, báo cáo Chính phủ, Quốc hội và chung tay truyền thông, vận động để đóng góp xây dựng các quy định tiến bộ, tích cực, phù hợp với các thực hành tốt nhất của thế giới về an toàn giao thông, góp phần giảm tai nạn giao thông và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe bài trình bày của các báo cáo viên tập trung vào các nội dung về thực trạng tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, các giải pháp kiến nghị cũng như tổng quan các nghiên cứu, dự án về an toàn giao thông tại Việt Nam liên quan đến các yếu tố nguy cơ tai nạn giao thông và một số khuyến nghị về chính sách, pháp luật.
Ths. Tạ Đức Giang - Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội trình bày Thực trạng về an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về an toàn giao thông đường bộ liên quan đến các yếu tố nguy cơ.
Trung tá Nguyễn Hồng Hải - Đội phó Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội trình bày về Tình hình chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông liên quan đến yếu tố nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ts. Đỗ Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trình bày Tình hình cấp cứu các trường hợp bị tai nạn giao thông và các kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ts. Trần Hữu Minh Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình bày Bình luận về thực trạng và hoàn thiện pháp luật về an toàn giao thông đường bộ liên quan đến 5 yếu tố nguy cơ và kiến nghị một số giải pháp về chính sách, pháp luật.
PGs. Ts Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng trình bày Tổng quan các nghiên cứu, dự án về an toàn giao thông tại Việt Nam liên quan đến các yếu tố nguy cơ tai nạn giao thông và một số khuyến nghị về chính sách, pháp luật
Toàn cảnh Hội thảo
Kết thục Hội thảo, Ts. Nguyễn Huy Quang cho biết, với các kết quả thu được từ Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là việc hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, các nội dung liên quan đến 05 yếu tố nguy cơ mất an toàn giao thông cần được quan tâm điều chỉnh phù hợp với các khuyến cáo, thực hành tốt nhất về an toàn giao thông đường bộ, các nội dung liên quan đến trách nhiệm, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế cần được quy định bảo đảm phù hợp, khả thi. Ngoài Hội thảo hôm nay, Bộ Y tế còn cần tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động truyền thông, nghiên cứu, cung cấp bằng chứng để góp phần có được những chính sách tốt nhất về an toàn giao thông đường bộ./.