Họp góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quy định điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính trong Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thu Phương Đăng vào 20/10/2020 Tin hoạt động của Vụ

Ngày 19/10/2020, Vụ Pháp chế đã tổ chức họp góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quy định điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính do Ths. Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - chủ trì.

Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ và một số tổ chức quốc tế như Unicef, Vusta, Save the Children, Viện Light. 

CN Trần Thị Thu Phương - Chuyên viên Vụ Pháp chế trình bày Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quy định điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính trong Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ths. Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế giải trình một số ý kiến của cuộc họp ngày 22/9/2020 và tiếp thu giải trình của Nhóm soạn thảo đặc biệt là vấn đề về các sản phẩm sử dụng để điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính như sản phẩm F75, F100 và RUTF.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã có ý kiến góp ý xung quang các vấn đề: 

- Cần nhấn mạnh hơn nữa các thiệt hại đối với việc không điều trị kịp thời cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính, ảnh hưởng đến tầm vóc Việt, ảnh hưởng đến lao động sản xuất

- Cần sử dụng các thuật ngữ một cách thống nhất, chính xác như: sản phẩm chuyên biệt hay suy dinh dưỡng nặng cấp tính

- Cân nhắc đối tượng được điều trị là Trẻ em dưới 6 tuổi hay tất cả các đối tượng trẻ em theo đó nên bổ sung nguyên nhân tại sao chỉ tập trung điều trị ở lứa tuổi này

- Cần xác định rõ mục tiêu giải quyết vấn đề: cuối cùng là giảm tình trạng suy dinh dưỡng nặng cấp tính hay là tạo hành lang pháp lý để thực hiện

- Bảo hiểm y tế chi trả đáp ứng các vấn đề gì, đay là sản phẩm mới trong Luật chưa có, đưa vào Danh mục dịch vụ kỹ thuật hay Dịch vụ vật tư y tế tiêu hao, phải bổ sung theo điều kiện tỷ lệ của các hỗn hợp (sản phẩm này) sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đương nhiên được thanh toán

Kết luận cuộc họp, Ths Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết sẽ tiếp thu hầu hết các ý kiến của các đại biểu và thống nhất đây là sản phẩm chuyên biệt điều trị dinh dưỡng nặng cấp tính, cần phải đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bên cạnh đó làm rõ một số nội dung như sau:

- Sẽ làm rõ hơn các nội dung về việc kê đơn, nguồn chi trả cụ thể.

- Bổ sung việc giải thích rõ hơn suy dinh dưỡng thể cấp tính và mạn tính.

- Giải thích rõ đối tượng áp dụng ở đây tại sao lại là trẻ em dưới 6 tuổi.

- Bổ sung hướng dẫn sử dụng để chứng minh sản phẩm được sử dụng như là thuốc (chỉ định, chống chỉ định..)

- Mục tiêu giải quyết vấn đề, lược bớt cảm tính, có điểm nhấn cho các phương án, làm bảng ghi rõ ưu điểm, hạn chế.

Tin khác