Họp góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quy định điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính trong Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Thu Phương Đăng vào 23/09/2020 Tin hoạt động của Vụ

 Ngày 22/9/2020, Bộ Y tế đã tổ chức họp góp ý Báo cáo đánh giá tác động chính sách về quy định điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính trong Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế với sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ ngành, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, các tổ chức UNICEF, Save the Children, The Light tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: "Hiện nay ở Việt Nam vẫn đang có gần 2 triệu trẻ em bị SDD mạn tính và hằng năm có trên 233.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD cấp tính nặng. Thiệt hại do SDD gây ra đối với sức khoẻ và quá trình phát triển của trẻ nhỏ là vĩnh viễn và không khắc phục được, làm tăng nguy cơ tử vong và suy giảm khả năng phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên hiện nay, các sản phẩm dinh dưỡng đặc trị đối với trẻ SDD cấp tính nặng vẫn chưa có một cơ chế tài chính chi trả trong khi đa số các em đều sinh ra từ các gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các vùng kinh tế khó khăn. Việc đưa quy định về chế phẩm dinh dưỡng điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước ta đối với trẻ em, đặc biệt là với Nhóm trẻ em bị yếu thế. Đồng thời là cơ sở pháp lý để quản lý các chế phẩm này, bảo đảm các cơ sở y tế phải tuân thủ đầy đủ các quy trình khám, chữa bệnh đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính, bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền lợi thanh toán thuốc trong khám, chữa bệnh, sớm đưa nước ta thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ và để thực hiện cam kết của Việt Nam “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Toàn cảnh cuộc họp

Trình bày dự thảo Báo cáo tại cuộc họp, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã đưa ra 03 phương án được đề xuất giả định để giải quyết vấn đề.

Phương án 1: Giữ nguyên như quy định hiện hành

Không đưa quy định về sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em và nguồn bảo đảm chi trả cho điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Phương án 2: Đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh, từ đó cho phép kê đơn đối với sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính và đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả, coi đây là sản phẩm tương đương thuốc điều trị.

Phương án 3: Đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh, từ đó cho phép kê đơn đối với sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em và yêu cầu các địa phương phải bố trí ngân sách chi trả cho việc sử dụng các chế phẩm này cho trẻ em dưới 6 tuổi của địa phương.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đều thống nhất ý kiện lựa chọn Phương án 2, là phương án cho phép kê đơn đối với sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính và đưa sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả, coi đây là sản phẩm tương đương thuốc điều trị nhằm bảo đảm tính bền vững và lâu dài. Cũng tại cuộc họp, đại viện Viện dinh dưỡng và các tổ chức quốc tế UNICEF, Save the Children cũng đã có những chia sẻ về những Kinh nghiệm quốc tế đối với các quy định về sản phẩm điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Bà Đỗ Hồng Phương, đại diện UNICEF cho biết Theo Tổ chức Y tế Thế giới, suy dinh dưỡng là mối đe dọa đơn lẻ nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo đó, có đến 45% trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do suy dinh dưỡng gây ra. Một số nước như Phiiphin, Indonexia, Campuchia đã đưa sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Các nước khác trong khu vực cũng đã bỏ ra một nguồn thuộc dòng ngân sách nhà nước để chi trả cho hoạt động này.

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định sản phẩm chuyên biệt điều trị dinh dưỡng, cần phải đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam đang là 233.000 trẻ em, đây là đối tượng cần được quan tâm điều trị nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Việc xây dựng các quy định về điều trị này là mục tiêu dài hạn, hướng tới tương lại giảm tỷ lệ trẻ em thấp còi, đạt được mục tiêu an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin khác