Hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

Phan Hiếu Đăng vào 03/07/2020 Tin hoạt động của Vụ

Dưới sự chủ trì của Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế, Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua và khen thưởng - Bộ Y tế và Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngày 01/7/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Hà Nội

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế, Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua và khen thưởng - Bộ Y tế và Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Tại Hội thảo, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới - Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm đã trình bày các thông tin liên quan đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới: Tác hại và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, theo đó thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có tác hại với sức khỏe con người; 02 loại thuốc lá này có chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai; các chất độc được thấy trong dung dịch điện tử và trong khói. Do đó, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho cả người dùng và người xung quanh; trong khi đó, 02 loại thuốc lá này rất hấp dẫn với trẻ em và vị thành niên, làm tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng có nguy cơ ngộ độc không chủ ý và gây chấn thương do phát nổ bởi có rất nhiều loại sản phẩm với đặc tính thiết kế khác nhau; dễ bị can thiệp thay đổi bởi người dùng và đặc biệt nguy cơ trộn lẫn ma túy; việc tiếp xúc lâu với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ tăng nguy cơ gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.

Kinh nghiệm của một số nước khu vực ASEAN trong quản lý thuốc lá thế hệ mới và khuyến cáo cho Việt Nam cũng được Th.s Đoàn Thu Huyền – Trưởng Đại diện Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc tại Việt Nam trình bày tại Hội thảo, theo đó, Quyết định được chính thức thông qua tại Hội nghị các bên của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thê giới (WHO FTCT) đã khẳng định rằng việc cấm cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là phương án chính sách phù hợp cho các quốc gia đang thực thi các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá. Ngoài ra, bằng chứng từ các cơ quan quản lý y tế hàng đầu và kinh nghiệm ở các quốc gia khác (đặc biệt là Thái Lan, Campuchia, Singapore, Brunei, Argentina) cho thấy rõ rằng việc cho phép bán dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng sẽ mang lại tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

Các chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới được Th.S Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nêu ra trong Hội thảo bởi các chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ; chiến lược quảng cáo và bán hành như Giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; Sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm; Tận dụng độ tuổi trẻ của nhóm sử dụng mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok…Bán hàng trên trang thương mại điện tử; Quảng cáo ở sự kiện thể thao; In quảng cáo trên các sản phẩm hay thay đổi chiến lược kinh doanh như thay đổi nhận diện thương hiệu để thu hút giới trẻ; Tiếp tục đăng ký các sản phẩm thuốc lá (truyền thống và thuôc lá mới); Che đậy bản chất thực có hại của thuốc lá nhằm đánh lừa người sử dụng

Tin khác