Tập huấn kỹ năng xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y tế

Đăng vào 21/07/2019 Tin hoạt động của Vụ

Tập huấn kỹ năng xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách

trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y tế

       Sáng ngày 05/7/2019 tại Hà Nội Bộ Y tế ( Vụ Pháp chế phối hợp với Văn phòng Bộ) tổ chức Tập huấn về kỹ năng xây dựng Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y tế, trong đó đặc biệt chú trọng nội dung về kỹ năng xây dựng báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính (TTHC) trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y tế.

        Tham dự lớp tập huấn có TS.Hà Anh Đức, Phó Chánh Văn phòng Bộ; Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; TS. Bùi Sỹ Lợi, Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; Ths. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Đánh giá tác động thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Tổng Cục, Văn phòng Bộ và Thanh tra Bộ Y tế.

Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế pháp biểu tại lớp tập huấn

     Phát biểu khai mạc tại lớp tập huấn, Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Đánh giá tác động chính sách là quá trình phân tích, dự báo về tác động tích cực và tiêu cực của chính sách đang được xây dựng; về chi phí, lợi ích của các giải pháp được dự kiến để thực hiện chính sách đối với các nhóm đối tượng khác nhau, từ đó, so sánh chi phí, lợi ích giữa các giải pháp để đề xuất lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn phù hợp với mục tiêu chính sách đặt ra

     Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đánh giá tác động chính sách có thể tiến hành ở tất cả giai đoạn của quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (lập đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo văn bản, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật). Các chính sách được xác định, định hướng và đánh giá tác động ngay từ khi lập đề nghị xây dựng xây dựng văn bản. Các chính sách được đề xuất ở giai đoạn này thường lớn và có tính chất định hướng nên cần đánh giá tác động chính sách cẩn thận, toàn diện, từ đó các giải pháp chính sách đưa ra để lựa chọn mới đảm bảo thực sự thiết thực và có hiệu quả thực tiễn. Ở các giai đoạn tiếp theo, có thể phát sinh các chính sách (giải pháp chính sách cụ thể hơn). Các chính sách/ giải pháp chính sách này cũng cần phải được đánh giá tác động theo đúng quy trình luật định.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày tham luận tại lớp tập huấn

       Đánh giá tác động chính sách có thủ tục hành chính trong giải pháp thực hiện là phương pháp phân tích dựa trên việc thu thập, tập hợp các bằng chứng, dữ liệu từ thực tiễn, qua tổng hợp, tính toán chi phí- lợi ích đối với các đối tượng khác nhau để xác định sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của TTHC trong giải pháp thực hiện chính sách.

       Đánh giá tác động của TTHC là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp của TTHC cũng như tính các chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi thực hiện TTHC dự kiến ban hành để cân nhắc, lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC.

Ths. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Đánh giá tác động thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp trình bày tham luận tại lớp tập huấn

       Việc đánh giá tác động của TTHC được tiến hành trong giai đoạn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và do cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện và phải hoàn thành trước khi gửi Cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Tại giai đoạn này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xác định cụ thể trình tự, cách thức, thời hạn và kết quả thực hiện TTHC, cơ quan thực hiện, đối tượng thực hiện TTHC, hồ sơ, biểu mẫu, phí, lệ phí thực hiện TTHC. Vì vậy, phương pháp đánh giá tác động TTHC chủ yếu là phương pháp định lượng để tính toán chi phí tuân thủ TTHC.

       Ở giai đoạn lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, việc đánh giá tác động chính sách có TTHC trong giải pháp thực hiện chỉ dừng ở phân tích định tính đối với các tiêu chí nội dung chính sau: Sự cần thiết của TTHC trong giải pháp thực hiện chính sách (là biện pháp tốt nhất để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; Tính hợp pháp, hợp lý của TTHC, thẩm quyền và hình thức ban hành TTHC; Dự báo tính hiệu quả của TTHC (chi phí nhỏ hơn lợi ích) đối với các đối tượng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân.

       Tại lớp tập huấn, các học viên cũng được nghe và thảo luận một số chuyên đề như: Kỹ năng xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính sách trong Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y tế do Ts. Bùi Sỹ Lợi, Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày; Kỹ năng xây dựng báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y tế do Ths. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng phòng Đánh giá tác động thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp trình bày.

TS.BS.Hà Anh Đức, Phó Chánh Văn phòng Bộ phát biểu tại lớp tập huấn

       Phát biểu tại lớp tập huấn, TS. Hà Anh Đức, Phó Chánh Văn phòng Bộ cũng cho biết thêm, phân tích, đánh giá tác động chính sách là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong công tác lập pháp, đặc biệt là đánh giá tác động thủ tục hành chính trong giai đoạn dự thảo văn bản và giai đoạn lập đề nghị xây dựng VBQPPL.

       TS.Hà Anh Đức, Phó Chánh Văn phòng Bộ cũng đề nghị các học viên tham dự lớp tập huấn thẳng thắn trao đổi cùng các chuyên gia để phân tích những thiếu sót hiện nay trong phân tích, đánh giá tác động chính sách. Cụ thể là vấn đề thiếu thông tin, bao gồm loại thông tin, lấy thông tin từ đâu và cần đặt những câu hỏi nào để đạt được thông tin đó. Thiếu kỹ năng để tiếp cận một dự án luật đồ sộ được thể hiện dưới những khái niệm, ngôn từ ngắn gọn. Đặc biệt là thiếu về cơ chế trao đổi thông tin giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm tra, giám sát...

Tin khác