Ngày 06/02/2023, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Gs. Ts Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo về đăng ký Hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết:
Thống kê tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Những kết quả đăng ký hiến, ghép trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng cũng đã góp phần nâng cao vị thế vai trò của ngành y Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại.
Gs. Ts Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - Chủ trì Hội thảo
Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta và việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của công dân.
Bên cạnh đó, hiện nay thực trạng nhu cầu ghép của Việt Nam là rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép gan; hàng nghìn người cần ghép tim và cần ghép mô, bộ phận cơ thể người khác. Nhu cầu cần ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta đang ngày một tăng, trong khi nguồn tạng hiến lại khan hiếm và nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người trái pháp luật, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng, ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới.
Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, trình bày trong Hội thảo
Tham dự Hội thảo, các báo cáo viên đã có nhiều bài tham luận liên quan đến Quy định pháp luật hiện hành về vận động, đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và định hướng sửa đổi quy định về đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người trong dự thảo Luật sửa đổi; Thực trạng đăng ký, cấp thẻ hiến và đề xuất giải pháp tích hợp đăng ký hiến mô, BPCTN, hiến xác vào thẻ căn cước công dân gắn chip; Quy định về tích hợp giấy tờ cá nhân vào căn cước công dân và khuyến nghị đối với việc tích hợp thẻ đăng ký hiến mô, BPCTN và hiến xác vào căn cước công dân gắn chip; Công tác về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người; Vấn đề mua bán mô, bộ phận cơ thể người và gia nhập Tuyên ngôn Istanbul về buôn bán tạng và ghép tạng du lịch; Thực trạng hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người; Đề xuất cơ chế, chính sách về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, BPCTN và hiến, lấy xác (sửa đổi).
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý các nội dung:
1. Về thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác như vấn đề đăng ký hiến qua hình thức trực tuyến; kiểm tra thông số sinh học của người hiến khi đăng ký; cập nhật thông tin người hiến lên phần mềm Hệ thống quản lý và điều phối ghép tạng quốc gia…
2. Về cấp thẻ đăng ký hiến và lộ trình, giải pháp tích hợp với thẻ căn cước công dân gắn chip.
3. Về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người:
- Đối với hành vi bị nghiêm cấm: Bên cạnh hành vi nghiêm cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, có cần bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm người hiến và người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến - ghép không cùng huyết thống không? Vấn đề bảo mật thông tin người hiến, người ghép?
- Vấn đề điều phối ghép tạng như nguyên tắc, quy trình điều phối, hệ thống phần mềm điều phối ghép tạng…
- Cơ chế kiểm soát hoạt động hiến, ghép tạng?