Chuyên đề quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Phan Hiếu Đăng vào 09/08/2022 Tin hoạt động của Bộ Y tế

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với chuyên đề: Quy định về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung lớn của dự thảo Luật, như hệ thống tổ chức và việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá chất lượng cũng như cơ chế tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, thời gian qua, hoạt động này đã từng bước được triển khai và áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước.

Đầu năm 2021, có 26 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 81%); kết nối với 1.261 bệnh viện tuyến dưới. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, hình thức này càng được phổ biến rộng rãi, góp phần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, nội dung này mới được quy định tại một điều trong dự thảo Luật, chưa làm rõ điều kiện thực hiện, danh mục bệnh được phép khám, chữa bệnh từ xa cũng như trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia, yêu cầu chuyên môn trong chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc khi thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và cơ chế thanh toán dịch vụ, hợp đồng hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa...

Giới thiệu quy định về khám, chữa bệnh từ xa tại Điều 76 trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, các trường hợp khám, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa gồm: khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với người bệnh theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; hỗ trợ chữa bệnh từ xa giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác...

Mặc dù nhiều nước hiện đã chấp nhận khám, chữa bệnh từ xa như một phương thức cung ứng dịch vụ, nhưng thực tế việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa ở hầu hết các nước vẫn vẫn còn ở dạng hẹp và ít dịch vụ.

Các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa chủ yếu là theo dõi, tư vấn hỗ trợ sau khi khám bệnh trực tiếp hoặc lâu dài với bệnh mạn tính. Dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa cũng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với khám, chữa bệnh trực tiếp.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng, chăm sóc sức khỏe từ xa không phải là khái niệm mới mà đã được biết đến trong nhiều thập kỷ qua. Có nhiều lợi ích khi áp dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, như cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu rủi ro, thuận tiện, linh hoạt và trong nhiều trường hợp sẽ giảm chi phí.

Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ này không phải không có thách thức, như chất lượng cung ứng dịch vụ, bảo mật thông tin, chi phí đầu tư lớn…

Việc khám, chữa bệnh từ xa cũng chưa có hành lang pháp lý, đòi hỏi cần xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, như khai thác thông tin, các kỹ thuật ghi nhận triệu chứng, chẩn đoán hình ảnh…; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện tuyến cơ sở, cung cấp trang thiết bị cho người dân còn thiếu, đường truyền kết nối không ổn định, nhất là tại các nơi vùng cao khi đường truyền học trực tuyến đã cho thấy hạn chế trong thời gian diễn ra dịch COVID-19..

 

Tin khác