Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Dược

Thu Phương Đăng vào 08/09/2022 Tin hoạt động của Bộ Y tế

Sau hơn 05 năm Luật dược được triển khai và đi vào cuộc sống, để đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như nhìn lại những tồn tại, bất cập, hạn chế, từ đó có các giải pháp kịp thời nhằm kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật hoặc nâng cao biện pháp thi hành, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về dược, hướng tới mục tiêu cao nhất là mọi người dân khi bị bệnh sẽ có đủ thuốc, được sử dụng thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý, ngày 8/9/2022, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Dược. 

Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; Đại diện các Vụ, Cục có liên quan của Bộ Y tế, đơn vị trực thuộc Bộ; Đại diện một số Sở Y tế tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương; Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, chuyên gia trong lĩnh vực dược. Đồng thời, Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến với đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết:

Luật Dược số 105/2016/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Đến nay, sau hơn 05 năm triển khai thi hành, Luật dược cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về dược, người dân được sử dụng thuốc có chất lượng, an toàn và hiệu quả với giá cả phù hợp. Việc ban hành Luật dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dược Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, cũng như trong thực tiễn 05 năm triển khai thi hành Luật dược cho thấy một số quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước về dược như nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, nghiên cứu, sản xuất, thử thuốc trên lâm sàng,… chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong điều kiện cấp bách phòng, chống dịch bệnh; một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu hội nhập, các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm chậm tiếp cận thuốc của người dân, thậm chí còn có nơi phát sinh thiếu thuốc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/02/2022 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng thể và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, trong đó có việc tăng cường cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Từ các nội dung của các Nghị quyết, quyết định nêu trên cho thấy Luật dược 2016 đang có nhiều khoảng trống, nhiều nội dung cần phải được xem xét, đánh giá tổng thể để trên cơ sở đó đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược.

Hiện nay, Bộ Y tế đã giao Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì tiến hành đánh giá 05 năm thi hành Luật dược. Hội nghị ngày hôm nay là cơ hội chia sẻ kết quả báo cáo đánh giá 05 năm thi hành Luật dược, đồng thời trên cơ sở các ý kiến góp ý, tham luận tại Hội nghị này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổng hợp, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá 05 năm thi hành Luật dược, củng cố thêm bằng chứng khoa học và thực tiễn cho sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật dược và là cơ sở đánh giá tác động chính sách và đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược.

Ông Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe bài trình bày của đại diện Cục Quản lý Dược về đánh giá 05 năm thi hành Luật dược đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục Quản lý Dược; đại diện Cục Quản lý Y Dược cổ truyền về đánh giá 05 năm thi hành Luật dược đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền; đại diện Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Thái Bình, Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, Pharma Group trình bày về đánh giá 05 năm thi hành Luật dược và đề xuất, kiến nghị.

Ông Phạm Văn Hải - Phó trưởng phòng quản lý Dược, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền trình bày đánh giá 05 năm thi hành Luật dược đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền

Ông Lê Ngọc Danh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ Dược - Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận đánh giá 05 năm thi hành Luật dược và đề xuất, kiến nghị

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình trình bày tham luận đánh giá 05 năm thi hành Luật dược và đề xuất, kiến nghị

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến về những vướng mắc, hạn chế của các quy định trong Luật Dược 2016, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xây dựng các nội dung báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Dược. 

Toàn cảnh Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết

Công tác đánh giá tổng kết Luật dược sẽ được tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, tức là phải từ các góc nhìn, từ phía cơ quan quản lý, đến doanh nghiệp và người dân, đánh giá được toàn bộ các nội dung mang tính chủ yếu, cốt lõi của Luật. Dựa trên kết quả đánh giá, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ xác định các kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập của Luật dược; xem xét các tồn tại, hạn chế, bất cập là do từ các quy định của Luật hay do quá trình thực thi Luật của các cơ quan quản lý về dược, doanh nghiệp hay người dân. Từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật hoặc có biện pháp chấn chỉnh công tác thực thi pháp luật về dược./.

Tin khác