Hội thảo về cơ chế tài chính trong lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Hà Nội

Minh Hường Đăng vào 09/03/2021 Tin hoạt động của Bộ Y tế

Ngày 09/3/2021, tại Hà Nội, PGs. Ts. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì Hội thảo về cơ chế tài chính trong lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Hội thảo có sự tham dự của Ts. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; TS. Dương Huy Liệu - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế; Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Ts. Đặng Hồng Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế; PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức; ThS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép BPCTN; Ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;. Ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam;Đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ: Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh; Cục Quản lý Dược; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Bảo hiểm y tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng; Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em; Vụ Pháp chế; Thanh tra Bộ; Đại diện một số bệnh viện tại Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; Đại diện một số Hội: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam và Đại diện một số chuyên gia về ghép mô, bộ phận cơ thể người. 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGs. Ts Nguyễn Trường Sơn cho biết: 

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác ở nước ta, từ đó mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, hiểm nghèo cần phải ghép tạng. Đồng thời cũng giúp cho người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi thực hiện ghép mô, bộ phận cơ thể người tại các cơ sở y tế của Việt Nam.

PGs. Ts. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ trì Hội thảo phát biểu khai mạc

Tuy nhiên, qua gần 15 năm thi hành, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn như vấn đề về độ tuổi của người hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người; vấn đề liên quan đến chi phí người hiến, người ghép; vấn đề về xác định chết não… Trong đó vấn đề về cơ chế tài chính trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người là một vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người hiến, người nhận và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Qua kết quả của Hội thảo, Bộ Y tế sẽ tổng hợp, kiến nghị sửa đổi Luật hiện hành nói chung, trong đó có vấn đề này nói riêng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày các nội dung liên quan đến các nội dung về cơ chế tài chính trong lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người bao gồm: PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trình bày báo cáo dẫn đề về cơ chế tài chính liên quan đến hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người; TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày vấn đề về tài trợ, hỗ trợ tài chính cho việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; ThS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trình bày kinh nghiệm quốc tế về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người (Mỹ, Nhật); TS. Đặng Hồng Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế trình bày báo cáo về chính sách bảo hiểm y tế cho người hiến mô, bộ phận cơ thể người; Ông Vũ Văn Chính - Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam báo cáo phân tích chi phí hiệu quả giữa chạy thận nhân tạo và ghép thận

PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trình bày báo cáo dẫn đề về cơ chế tài chính liên quan đến hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người

Trong phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã nêu ra rất nhiều ý kiến góp ý đối với việc sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người để phù hợp với thực tiễn liên quan đến cơ chế tài chính. 

Theo đó, các đại biểu cho rằng, Thanh toán tài chính cho hiến mô, tạng là vấn đề rất chuyên sâu, phức tạp; Bảo hiểm y tế đối với người cho chết não, người nhận sẽ được thực hiện như thế nào; BV vừa thực hiện 01 ca ghép phổi thành công từ người cho chết não cho đa tạng. Bệnh nhân hiện tại rất khỏe mạnh hơn rất nhiều so với trước khi mổ; Nguồn kinh phí: Người cho nhân đạo (không có kinh phí).

Toàn cảnh Hội nghị

Kết thúc Hội thảo, Ts. Nguyễn Huy Quang cho biết các vấn đề cần phải nghiên cứu để có cơ sở xây dựng nội dung về cơ chế tài chính cho hiến, lấy, ghép mô, bộ phận, cơ thể người như sau: 

- Vấn đề về cơ chế tài chính càng công công khai, minh bạch bao nhiêu thì sẽ có lợi rất nhiều cho các cơ sở y tế.

- Quan điểm lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người phải dựa trên quan điểm vì mục đích nhân đạo, nhân văn, phi thương mại.

- Thiết kế về cơ chế tài chính phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, chi trả người bệnh, hỗ trợ từ thiện của tổ chức, cá nhân.

- Các cơ chế tài chính càng cụ thể, rõ ràng bao nhiêu thì sẽ tốt cho việc thực hiện bấy nhiêu và trên cơ sở công khai, minh bạch, khách quan, lấy người bệnh làm trung tâm.

- Các đối tượng để xem xét liên quan đến cơ chế tài chính (cả người hiến, người nhận, cơ sở khám, chữa bệnh, bác sỹ tham gia vào). Mô hình tổ chức của Trung tâm điều phối, mạng lưới điều phối trong việc cung cấp các thông tin, chỉ số của người hiến, nhận.

- Vấn đề về mô, máu (sương, giác mạc, da..đều là mô).

- Phải tính toán chi phí một cách toàn diện từ khám sàng lọc, lâm sàng, cận lâm sàng, vận chuyển, bồi dưỡng, mai táng phí và tùy từng việc ghép tạng như tim, phối, gan, phổi…là khác nhau.

- Các tiếp cận khoa học trong đánh giá Luật:

+ Khi chưa có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mới thì sẽ xem xét vấn đề này như thế nào vì nếu đợi các văn bản Luật này sẽ kìm hãm sự phát triển của kỹ thuật ghép tạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của cả người hiến và người ghép.

Nghiên cứu bổ sung vào Thông tư 43/2013/TT-BYT một số kỹ thuật liên quan đến lấy, ghép bộ phận cơ thể người (theo hướng kỹ thuật mới, phương pháp mới), trên cơ sở đó thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế.

Để có tăng nguồn hiến trong thời gian tới: Phối hợp với Hội chữ thập đỏ sớm ban hành Chỉ thị thúc đây nguồn hiến máu, hiến mô, tạng.

Quỹ từ thiện nhân đạo, từ thiện thực hiện theo Nghị định 93/2019/NĐ-CP, nhưng lâu dài khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) sẽ đưa vấn đề hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ vào Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)./.

 

 

 

 

Tin khác