Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Phan Hiếu Đăng vào 02/07/2020 Tin hoạt động của Bộ Y tế

Ngày 01/7/2020, dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã tổ chức Họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) (Thời điểm họp GS. Long vẫn là Thứ trưởng)

Cuộc họp có sự tham gia của Thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bao gồm: Đại diện của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế Hà Nội và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Trình bày tại cuộc họp, Ông Đỗ Trung Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế đại diện cho Tổ Biên tập báo cáo về các vấn đề cần xin ý kiến Ban Soạn thảo, bao gồm các nội dung về cơ quan tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, phạm vi hành nghề của người hành nghề, quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề cũng như các quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong dự án Luật sửa đổi và các quy định về việc đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Soạn thảo đã cho ý kiến góp ý và định hướng các nội dung trên. Theo đó, Gs. Ts Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng đã kết luận:

1. Việc xây dựng dự án Luật cần phải nghiên cứu, xem xét các nội dung để tiệm cận với các quy định của quốc tế, với mục tiêu nâng cao chất lượng hành nghề. Đối với các vấn đề mà Tổ biên tập xin ý kiến Ban Soạn thảo:

- Về tổ chức hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần phải được thực hiện thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ-TW là xây dựng hệ thống theo 3 cấp chuyên môn nhưng cần nghiên cứu để bảo đảm gắn với hệ thống hành chính.

- Về đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nội dung bắt buộc và dựa trên mức độ chất lượng để tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- Về người hành nghề cần năng cao năng lực hành nghề, có sự hỗ trợ từ các tuyến tạo thành nhóm làm việc hỗ trợ lẫn nhau, bác sỹ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới.

Ngoài ra, đối với người hành nghề là người nước ngoài: nếu muốn được hành nghề tại Việt Nam thì phải thi cấp chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam, nếu muốn được khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam thì bắt buộc phải biết tiếng Việt (trừ trường hợp các chuyên gia sang chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác khoa học). Trường hợp chỉ khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài tại Việt Nam thì không bắt buộc phải biết tiếng Việt.

- Vấn đề thành lập Hội đồng y khoa là bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 20, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm về cách thức tổ chức nội dung thiết kế trong dự án Luật.

- Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề cần quy định thời hạn là 5 năm để phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Về khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang nhân dân: Thống nhất với đề xuất của Tổ biên tập là giao Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ quy định về hệ thống tổ chức, đào tạo, tuyển dụng, quản lý sử dụng nhân lực phục vụ nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân và nếu có tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân thì phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện chung.

2. Giao Tổ biên tập tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để hoàn chỉnh dự án Luật bảo đảm trình Quốc hội đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tin khác