Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe

Đăng vào 21/07/2019 Tin hoạt động của Bộ Y tế

Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe

 

        Ngày 02/4/2019, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị “Góp ý dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe”. PGS. TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế tham dự và chủ trì Hội nghị.

        Đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe cấp chứng chỉ để xác định phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề trong các trường hợp có quy định phải cấp chứng chỉ hành nghề; để cập nhật kiến thức y khoa liên tục bao gồm: cơ sở đào tạo; yêu cầu về đối tượng đào tạo; khối lượng học tập tối thiểu, thời gian và hình thức đào tạo; chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo; tổ chức đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo.

        Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt đổi mới đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế. Tiến hành nghiên cứu và đề xuất mô hình đào tạo ngành y, dược. Tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo chuyên khoa chính thức vào hệ thống Giáo dục đại học. Đồng thời, cần có các hoạt động để hoàn thiện về hệ thống chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực y tế một cách đồng bộ. Tuy nhiên, đổi mới đào tạo nhân lực y tế là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế hướng tới mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.

        Theo Dự thảo thì Người tốt nghiệp trình độ đại học có thể học tiếp chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu để đạt trình độ tương đương bậc 7, trình độ tương đương bậc 8  theo Khung trình độ quốc gia nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

        Trình độ tương đương bậc 7 bao gồm: đào tạo bác sĩ y khoa cho người có bằng cử nhân y khoa; đào tạo bác sĩ Răng Hàm Mặt cho người có bằng cử nhân nha khoa; đào tạo dược sĩ cho người có bằng cử nhân dược khoa; đào tạo chuyên khoa cho người có bằng cử nhân đối với các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, nhóm ngành Kỹ thuật Y học và các ngành khác trong lĩnh vực sức khoẻ; Trình độ tương đương bậc 7 phải có khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ tương đương với 02 năm học tập trung… 

        Trình độ tương đương bậc 8 bao gồm: đào tạo chuyên khoa cho người có bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ Răng Hàm Mặt, dược sĩ; Trình độ tương đương bậc 8 phải có khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ tương đương với 03 năm học tập trung…

       Người có bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ Răng Hàm Mặt, dược sĩ được học tiếp lên chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ chuyên khoa tương đương trình độ bậc 8.

       Cơ sở đào tạo muốn tham gia đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu (trong đó có ngành bác sĩ, dược sĩ) thì phải có Hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo chuyên sâu gửi về Bộ Y tế để Bộ chủ trì tổ chức thẩm định. Trường hợp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, trong thời hạn 15 ngày, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết định cho phép mở ngành đào tạo. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng điều kiện theo quy định, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thông báo bằng văn bản cho cơ sở đào tạo về việc không đồng ý mở ngành đào tạo và nêu rõ lý do.

        Dự thảo cũng quy định điều kiện của cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ: Có đủ các điều kiện, yêu cầu đào tạo và đã được phép đào tạo trình độ đại học ngành tương ứng thuộc khối ngành sức khỏe; Có ít nhất 01 (một) khóa sinh viên trình độ đại học ngành tương ứng tốt nghiệp; Đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng viên (Mỗi môn học/học phần của chương trình đào tạo phải có ít nhất 01 (một) giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ hoặc chuyên khoa I trở lên và có văn bằng, luận văn, luận án tốt nghiệp phù hợp với môn học chịu trách nhiệm giảng dạy; Đối với đào tạo bác sĩ y khoa: có tối thiểu 06 (sáu) giảng viên có trình độ tiến sĩ y học hoặc bác sĩ chuyên khoa II hoặc chuyên khoa trình độ tương đương bậc 8 thuộc lĩnh vực y học lâm sàng; tối thiểu 01 (một) tiến sĩ y học thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng; Đối với đào tạo bác sĩ Răng Hàm Mặt: có tối thiểu 02 (hai) giảng viên có trình độ tiến sĩ y học hoặc bác sĩ chuyên khoa II hoặc chuyên khoa trình độ tương đương bậc 8 thuộc lĩnh vực y học lâm sàng; tối thiểu 03 (ba) giảng viên có trình độ tiến sĩ y học hoặc bác sĩ chuyên khoa II hoặc chuyên khoa trình độ tương đương bậc 8 thuộc lĩnh vực Răng - Hàm - Mặt; tối thiểu 01 (một) giảng viên có trình độ tiến sĩ y học thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng; Đối với đào tạo dược sĩ: có tối thiểu 03 (ba) giảng viên có trình độ tiến sĩ dược học hoặc dược sĩ chuyên khoa II hoặc chuyên khoa trình độ tương đương bậc 8 ở 03 (ba) chuyên ngành khác nhau thuộc ngành Dược; Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 50% khối lượng chương trình đào tạo; khối lượng học tập còn lại do giảng viên thỉnh giảng có trình độ thạc sĩ hoặc chuyên khoa I trở lên và có văn bằng, luận văn, luận án tốt nghiệp phù hợp với môn học chịu trách nhiệm giảng dạy. Đối với cơ sở đào tạo ngoài công lập có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu trong độ tuổi lao động; Giảng viên cơ hữu quy định tại điểm a, b, c, d, đ Khoản này không được ghi tên trong danh sách giảng viên để đăng ký mở ngành đào tạo ở các ngành/chuyên ngành, trình độ và loại hình đào tạo khác của cơ sở đào tạo đề nghị mở ngành và cơ sở đào tạo khác…); Có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của ngành đăng ký đào tạo (Đối với đào tạo bác sĩ y khoa: Trung tâm thực hành tiền lâm sàng tối thiểu phải có phòng thực hành riêng về hệ nội, hệ ngoại, phụ - sản, nhi, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng; Đối với đào tạo bác sĩ Răng Hàm Mặt: Trung tâm thực hành tiền lâm sàng tối thiểu phải có phòng thực hành riêng về chữa răng và nội nha, phục hình, chỉnh nha, nha chu, phẫu thuật trong miệng và phẫu thuật hàm mặt, labo răng giả; Đối với đào tạo dược sĩ: có các phòng thí nghiệm riêng về Hóa sinh, Dược  lý, Thực vật dược, Dược  liệu, Dược học cổ  truyền, Hóa  dược, Bào chế, Dược lâm sàng, Công nghiệp dược, Kiểm nghiệm thuốc và nhà thuốc thực hành); Có cơ sở thực hành đáp ứng quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe…

        Hội nghị đã cùng thảo luận để xác định lộ trình và những nội dung cụ thể về đổi mới đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học và chuyên khoa để làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách liên quan trong thời gian tới và ghi nhận ý kiến đóng của các cá nhân, tổ chức tham dự và tiếp tục hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ./.

(Nguồn: Công thông tin điện tử Bộ Y tế)

 

Tin khác