NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)

Thu Phương Đăng vào 04/01/2021 PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Luật cán bộ, công chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008. có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010 và Luật viên chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012. Qua 08 năm thực hiện Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, các quy định của 02 Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quá trình đổi mới, từng bước đáp ứng được chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tạo cơ sở pháp lý cho việc phân định rõ đội ngũ cán bộ với công chức, tách viên chức ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức; quy định phù hợp với đặc thù hoạt động và thực thi công vụ của cán bộ, công chức và cán bộ cấp xã, công chức cấp xã; công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến rõ rệt. từng bước đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong cải cách hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao năng lực thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

          Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, một số quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 225/11/2019 với các điểm mới như sau:

          I. Một số điểm mới của Luật cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung

          1. Về khái niệm công chức

          Theo quy định tại Luật cán bộ, công chức năm 2008 thì đội ngũ công chức bao gồm cả "công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập". Tuy nhiên, khái niệm "công chức" được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung đã không còn đối tượng "công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội". Việc quy định như Luật sửa đổi, bổ sung phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản lý tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

          2. Về việc đánh giá cán bộ, công chức

          Luật cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định thêm trường hợp sẽ tiến hành thực hiện đánh giá công chức, đó là "Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình".
          Để phù hợp và thống nhất giữa việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức viên chức nói chung với đánh giá, phân loại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuamarn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thì Luật cán bộ, công chức sửa đổi 2019 đã thay đổi phân loại “Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” thành “Hoàn thành nhiệm vụ”, theo đó, các mức phân loại khác được giữ nguyên là "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" và "Không hoàn thành nhiệm vụ".

          Bên cạnh đó, sau khi đánh giá, phân loại cán bộ, công chức thì kết quả đánh giá trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác phải được công khai theo quy định của Luật sửa đổi.

3. Về việc kỷ luật cán bộ, công chức

a) Về hình thức kỷ luật cán bộ, công chức

Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật sửa đổi lần này đã bổ sung quy định về việc hình thức kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng.

Theo đó, cán bộ, công chức sẽ bị buộc thôi việc trong 02 trường hợp:

- Bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo;

-  Bị kết án về tội phạm tham nhũng;

Như vậy, có thể thấy, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý. Nó không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà còn giúp công tác phòng, chống tham nhũng được nghiêm minh hơn.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung cũng bổ sung quy định về hình thức hạ bậc lương với công chức. Theo đó, việc hạ bậc lương chỉ áp dụng với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

b) Về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Trong đó, theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008 thì thời hiệu áp dụng với công chức là 24 tháng.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, thời gian 24 tháng là quá ít khi hành vi vi phạm để bị kỷ luật của công chức nhiều khi rất khó phát hiện, xử lý và đang cào bằng giữa các hình thức xử lý vi phạm. Do đó, để phù hợp với thực tế, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu cụ thể:

- 02 năm nếu bị kỷ luật khiển trách;

- 05 năm với các hành vi không thuộc trường hợp bị khiển trách.

Đặc biệt, Luật sửa đổi còn bổ sung 04 hành vi không áp dụng thời hiệu xử lý như:

- Cán bộ, công chức là Đảng viên vi phạm đến mức bị kỷ luật khai trừ;

- Vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

- Xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Có thể thấy, những hành vi này vô cùng nghiêm trọng do đó việc không áp dụng thời hiệu xử lý là quy định hoàn toàn phù hợp.

          c) Về thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

Theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức là không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng. Tuy nhiên, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật là không quá 90 ngày và đối với trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 150 ngày.

          d) Về việc xử lý cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật

Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định về việc xử lý cán bộ, công chức sau khi bị kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi đã có sự sửa đổi như sau:

- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;

- Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

đ) Về việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi là việc bổ sung 01 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.

Theo đó, tại khoản 7 Điều 1 Luật này nêu rõ, sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy vào tính chất, mức độ sẽ phải chịu một trong các hình thức xử lý kỷ luật là: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật này gắn với hệ quả pháp lý tương ứng của hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng nói rõ, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu trước có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 cũng được thực hiện theo quy định của Luật này.

Như vậy, có thể thấy, quan niệm “hạ cánh an toàn” trước đây bắt đầu từ 01/7/2020 sẽ hoàn toàn bị loại bỏ. Đồng thời, quy định này cũng thống nhất và đồng bộ với những văn bản quy phạm pháp luật khác như Quy định số 102-QĐ/TW và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.

          4. Về tuyển dụng, nâng ngạch công chức

a) Về tuyển dụng và thu hút nhân tài

Ngoài 02 hình thức là thi tuyển, xét tuyển được quy định tại Luật cán bộ, công chức hiện hành thì Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định thêm một hình thức tiếp nhận không thông qua thi tuyển, xét tuyển đối với:

- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; Cán bộ, công chức cấp xã;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;

- Người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương;

- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

Đối với tuyển dụng thông qua xét tuyển, để đào tạo và thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy hệ thống chính trị để bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững, Luật sửa đổi đã bổ sung 02 đối tượng được tuyển dụng theo phương thức xét tuyển đó là người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Theo đó, Luật sửa đổi đã bỏ đối tượng là người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

b) Về nâng ngạch công chức

Bên cạnh việc thi nâng ngạch được quy định tại Luật cán bộ, công chức 2008, kể từ 01/7/2020, công chức đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm thì được xét nâng ngạch công chức theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019.

II. Một số điểm mới của Luật viên chức sửa đổi, bổ sung

1. Về hợp đồng làm việc đối với viên chức

Một trong những quy định tác động mạnh mẽ đến viên chức được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đó là quy định về 02 loại hợp đồng làm việc. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 02 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Căn cứ khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 25 Luật Viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp, đó là:

- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020;

- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức;

- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, hợp đồng không xác định thời hạn sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020 mà chỉ được áp dụng thực hiện hợp đồng xác định thời hạn.

2. Về việc thời hạn hợp đồng làm việc của viên chức

Không chỉ tác động đến hợp đồng làm việc không xác định thời hạn mà đối với hợp đồng xác định thời hạn, khoản 2 Điều 2 Luật này cũng sửa đổi, bổ sung thời hạn thực hiện hợp đồng. Theo đó, Luật sửa đổi sẽ nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn của viên chức từ 36 tháng như quy định hiện nay lên 60 tháng.

Trong đó, hợp đồng xác định thời hạn là loại hợp đồng mà hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng, áp dụng với những người mới trúng tuyển viên chức.

Đặc biệt: Trước khi hết hạn 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức. Trong đó, nếu viên chức đáp ứng đầu đủ các yêu cầu và đơn vị còn nhu cầu thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng. Ngược lại, nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do vì sao.

Có thể thấy, việc kéo dài thời hạn này tạo điều kiện cho viên chức được làm quen và phát huy được khả năng của mình trong công việc.

3. Về điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu

Liên quan đến việc xem xét nghỉ hưu của viên chức, Luật mới sửa đổi nhiều quy định theo hướng mở hơn.

- Nếu như trước đây, Luật Viên chức hiện hành nêu rõ, sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì Luật mới đã loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.

- Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Trong khi, hiện nay đang quy định "không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng".

Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

Trên đây là một số điểm mới của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019, các quy định mới có hiệu lực kể từ ngày từ 01/7/2020./.

Tin khác