Những nội dung cơ bản của Thông tư 29/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Thu Phương Đăng vào 25/01/2021 PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 29/2020/TT-BTC  hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, Thông tư bao gồm 3 Chương, 11 Điều.

Thông tư này, hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước như: Hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về mua sắm tài sản công; Việc đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức; hành vi vi phạm quy định về giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước; Hành vi trao đổi tài sản không đúng quy định. Đồng thời, Thông tư cũng hướng dẫn quy định về xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công.

Nội dung cụ thể được quy định như sau:

1. Vi phạm quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là hành vi tại thời điểm ký Hợp đồng mua sắm (đối với trường hợp phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) hoặc tại thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng (đối với trường hợp không phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) không có Quyết định về mua sắm tài sản công của cấp có thẩm quyền theo quy định; không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung; hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định: vượt về số lượng, vượt về mức giá (đối với phương tiện đi lại, máy móc, thiết bị, tài sản khác) so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định.

2. Vi phạm quy định về đi thuê tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tạị là hành vi thực hiện đi thuê tài sản khi không có quyết định về thuê tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền; thuê tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức quy định: vượt về diện tích (đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp), vượt về số lượng, vượt về mức giá (đối với phương tiện đi lại, máy móc, thiết bị, tài sản khác) so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định.

3. Vi phạm quy định về sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không có Quyết định phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của cấp có thẩm quyền

4. Vi phạm quy định về đăng nhập và sử dụng số liệu về tài sản công quy định là hành vi  sử dụng số liệu về tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công vào mục đích cá nhân mà không được cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép theo quy định.

5. Vi phạm quy định về trang cấp tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định

6. Vi phạm quy định về giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định là hành vi bố trí tài sản dự án cho người sử dụng, bộ phận sử dụng đúng đối tượng nhưng vượt về diện tích (đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp), vượt về số lượng hoặc mức giá (đối với phương tiện đi lại, máy móc, thiết bị, tài sản khác); hành vi trao đổi tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước không đúng quy định; hành vi chiếm đoạt ,nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng vốn nhà nước vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

7. Vi phạm quy định về xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định là hành vi vi phạm quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân mà không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản đó; hành vi tổ chức bán, điều chuyển, thanh lý, tiêu hủy tài sản mà tại thời điểm thực hiện hành vi không có Quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Thông tư  29/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 6 năm 2020, thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ.

Tin khác