Giới thiệu Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Xuân Hằng Đăng vào 15/05/2020 PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Sự cần thiết ban hành Nghị định

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 14 tháng 6 năm 2019, sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Trong đó, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản cụ thể của Luật theo chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ.

Để triển khai thực hiện Luật một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia của các bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật là hết sức cần thiết.

Theo Quyết định số 936/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế và Bộ Công Thương xây dựng 2 nghị định riêng để quy định chi tiết thi hành Luật theo trình tự rút gọn, bao gồm Nghị định quy định tiết thi hành một số điều của Luật do Bộ Y tế chủ trì[1] và Nghị định quy định về quản lý kinh doanh rượu do Bộ Công Thương chủ trì[2].

 

2. Nội dung cơ bản của Nghị định

Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia về một số biện pháp giảm mức tiêu thụ và quản lý việc cung cấp rượu, bia bao gồm:

2.1. Địa điểm công cộng không được uống rượu, bia

Ngoài các địa điểm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định quy định bổ sung các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:

1. Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Nhà chờ xe buýt.

3. Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

2.2. Hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình, Nghị định quy định việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình phải bảo đảm một số yêu cầu như:  Không thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5, hành vi uống rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10, hành vi bán rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này; Không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia; Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia;

2.3 Về quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia: Để quy định chi tiết Điểm c khoản 3, Khoản 6 Điều 12 và Điều 13 của Luật về một số nội dung liên quan đến quản lý quảng cáo rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và bia, Nghị định quy định cụ thể: Các trường hợp được quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; các nội dung và yêu cầu của cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia trong quảng cáo rượu, bia; kích thước và khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo rượu, bia ngoài trời tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

Việc thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử: Nghị định quy định các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia nhằm hướng dẫn Khoản 3 Điều 16 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Nghị định quy định nội dung, mức chi cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia để các cơ quan, tổ chức. Đây là cơ sở để các cơ quan nhà nước đề xuất, lập dự toán và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm thống nhất, hiệu quả, bền vững.

Đồng thời, Nghị định quy định trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm hướng dẫn Khoản 2 Điều 9 của Luật, bao gồm trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước chung của các bộ, ngành và trách nhiệm cụ thể của các Bộ: Y tế, Công Thương, Công an, Lao động, Thương binh - Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài chính và Ủy ban nhân dân các cấp về việc tổ chức thực hiện Luật trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan mình để quy định chi tiết Điều 30 của Luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 24/02/2020./.

 

[1] Quy định chi tiết Khoản 2 Điều 9; Khoản 7 Điều 10; Điểm c Khoản 3 Điều 12; Khoản 6 Điều 12; Điều 13; Khoản 3 Điều 16, Khoản 3 Điều 26.

[2] Quy định chi tiết Khoản 5 Điều 15.

Tin khác