ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH VỀ XÃ HỘI TRONG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Thu Phương Đăng vào 14/04/2021 XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

1. Đánh giá tác động chính sách là gì?

Ở Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, yêu cầu về đánh giá tác động pháp luật trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong một đạo luật - đó là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và đến nay được gọi tên là đánh giá tác động chính sách trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Để hướng dẫn việc đánh giá tác động chính sách, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định chi tiết về việc đánh giá tác động chính sách.

Đánh giá tác động của chính sách (ĐGTĐCS) là việc phân tích, dự báo tác động của chính sách đang được xây dựng đối với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm lựa chọn giải pháp tối ưu thực hiện chính sách.

Từ khái niệm trên cho thấy ĐGTĐCS có thể hiểu là một quá trình phân tích, dự báo các tác động có thể của một sự thay đổi về chính sách. Đặc điểm của việc đánh giá tác động chính sách là tìm ra một giải pháp tối ưu, giải pháp có thể đưa ra câu trả lời đáng tin cậy đối với các vấn đề mà thực tiễn điều hành chính sách đặt ra. Điều đó phải được làm một cách khẩn trương, hiệu quả, minh bạch và không tốn kém.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nội dung  của từng chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; thủ tục hành chính (TTHC) (nếu có); tác động về giới (nếu có)[1].

Để ĐGTĐCS một cách toàn diện nhất thì cần phải đánh giá tác động về kinh tế, tác động về xã hội, tác động về giới (nếu có), tác động của TTHC (nếu có) và tác động đối với hệ thống pháp luật [2] bằng phương pháp định lượng và định tính [3].

Các chủ thể ĐGTĐCS theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm xây dựng chính sách khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL hay khi soạn thảo VBQPPL đồng thời chịu trách nhiệm ĐGTĐCS. Đối với đề nghị xây dựng VBQPPL hoặc dự thảo VBQPPL do Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh trình thì Chính phủ phân công cho các cán bộ, ngành; UBND phân công cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thực hiện việc xây dựng chính sách và ĐGTĐCS nhưng Chính phủ và UBND vẫn là cơ quan có quyền hạn và chịu trách nhiệm về chính sách, ĐGTĐCS trong đề nghị xây dựng VBQPPL và trong dự thảo VBQPPL

2. Nội dung đánh giá tác động chính sách về xã hội

Một trong các nội dung ĐGTĐCS quan trọng là đánh giá tác động về xã hội bởi nội dung đánh giá rộng, liên quan đến các mặt của đời sống xã hội.

 “Tác động về xã hội của chính sách được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo tác động đối với một hoặc một số nội dung về dân số, việc làm, tài sản, sức khỏe, môi trường, y tế, giáo dục, đi lại, giảm nghèo, giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, xã hội và các vấn đề khác có liên quan đến xã hội” [4].

Chủ thể đánh giá tác động xã hội có nhiệm vụ thu thập các dữ liệu từ thực tế đời sống để phân tích, nhằm dự báo các thay đổi có thể xảy ra trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên cơ sở tác động của một hoặc một số chính sách nhất định được thi hành. Theo quy định trên, đánh giá tác động xã hội có nội dung rất rộng, bao gồm tối thiểu 11 lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Hầu như không có giải pháp chính sách nào trong đề xuất xây dựng VBQPPL lại có thể tác động tới toàn bộ lĩnh vực xã hội, cộng đồng dân cư hay nhóm xã hội ở mức độ như nhau. Do đó, sàng lọc nhóm đối tượng chịu tác động chính và xác định trọng tâm trong đánh giá tác động xã hội chính là để giới hạn được các nguồn lực mà cơ quan thực hiện đánh giá cần sử dụng như nhân lực và tài chính. Thông thường, đánh giá tác động xã hội nên chú ý tới các nhóm xã hội hay cộng đồng dân cư lớn hơn hoặc đối tượng nhạy cảm.

Các chỉ tiêu đánh giá tác động xã hội được xác định dựa trên: Vấn đề có gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội của người dân hay không; vấn đề xã hội có đang được chính quyền và người dân quan tâm hay không hay là vấn đề xã hội đó có thuộc các chính sách xã hội trọng tâm mà các cơ quan nhà nước đang thi hành hay không.

Để xác định được chỉ tiêu đánh giá tác động xã hội, đơn vị đánh giá cần đặt câu hỏi “Giải pháp chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL gây ra tác động xã hội như thế nào đối với từng nhóm đối tượng bị tác động?”.[5]

Đối với mỗi giải pháp chính sách, tuỳ thuộc vào các lĩnh vực xã hội có liên quan chịu sự tác động, cơ quan chủ trì đánh giá chủ động xác định các tác động về số lượng cũng như chỉ tiêu để đánh giá theo đó có thể tập trung vào lĩnh vực và chỉ tiêu tác động trực tiếp.

 

Một số chỉ tiêu trong ĐGTĐ xã hội

Những khía cạnh và và chỉ tiêu tác động xã hội cần được quan tâm khi đánh giá tác động xã hội

1. Việc làm và sinh kế

  1. Tác động tới việc làm được tạo ra
  2. Tình trạng thất nghiệp/ thiếu việc làm
  3. Chất lượng của việc làm/ năng suất lao động
  4. Tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương trong tổng số việc làm
  5. Thu nhập tối thiểu

2. Về Giảm nghèo và giảm Bất bình đẳng

  1. Mức độ và tình trạng đói nghèo 
  2. Khoảng cách thu nhập (hoặc tiêu dùng) của nhóm nghèo nhất so với nhóm giàu nhất

3.  Về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo cơ hội bình đẳng về kinh tế

  1. Tiếp cận tham gia giáo dục và y tế
  2. Tiếp cận nhà ở tối thiểu/ nhà ở xã hội
  3. Tiếp cận dịch vụ cơ bản như  điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông, các dịch vụ hạ tầng
  4. Tiếp cận thông tin truyền thông

4.  Bảo hiểm

  1. Sự tham gia, mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
  2. Tham gia bảo hiểm xã hội, y tế tự nguyện

5. Trợ giúp xã hội

  1. Trợ cấp, trợ giúp xã hội thường xuyên/ đột xuất đối với những nhóm người có hoàn cảnh khó khăn (người già, người nghèo, trẻ em, người khuyết tật…)
  2. Trợ giúp, ưu đãi người có công
  3. Trợ gúp xã hội trong trường hợp đột xuất (thiên tai, trường hợp bất khả kháng).

6. Các giá trị văn hóa xã hội

  1. Giá trị văn hoá truyền thống (Bảo vệ và bảo tồn giá trị đạo đức và lối sống của dân tộc trên bình diện quốc gia, phong tục tập quán vùng miền và dân tộc thiểu số)
  2. Gắn kết gia đình và cộng đồng (Mối quan hệ giữa vợ chồng, ông bà, cha mẹ và con cái, quan hệ với hàng xóm và giữa các thành viên trong làng, thôn, bản ấp v.v..)

7. Tội phạm

  1. Tăng/ giảm các hành vi vi phạm pháp luật hình sự

8. Bình đẳng giới

  1. Sự phân biệt đối xử giới, bất bình đẳng giới không  trong lĩnh vực/các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách
  2. Cơ hội và điều kiện phát huy năng lực của mỗi giới để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình
  3. Cơ hội thụ hưởng các kết quả mà chính sách mang lại đối với mỗi giới

9. Khác

  1. Bảo đảm quyền kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài
  2. Bảo đảm quyền lao động của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
  3. Bảo đảm quyền tài sản của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
  4. ….
 

[1] Khoản 2, Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015

[2] Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

[3] Điều 7 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

[4] Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP

[5] Bộ Tư pháp (2018), "Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ Đánh giá tác động chính sách", tr.30

Tin khác