Bàn về quy định về điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Phan Hiếu Đăng vào 07/12/2020 XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Theo Ths. Đinh Thị Thu Thủy, việc đưa quy định về chế phẩm dinh dưỡng điều trị trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước ta đối với trẻ em, đặc biệt là với Nhóm trẻ em bị yếu thế. Đồng thời là cơ sở pháp lý để quản lý các chế phẩm này, bảo đảm các cơ sở y tế phải tuân thủ đầy đủ các quy trình khám, chữa bệnh đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính, bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền lợi thanh toán thuốc (chế phẩm dinh dưỡng đặc trị) trong khám, chữa bệnh, sớm đưa nước ta thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ và để thực hiện cam kết của Việt Nam “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

          PV: Xin bà cho biết quan điểm về việc cần phải có dành có cơ chế để chăm sóc y tế, đặc biệt đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.

          Th.s Thủy: Đã qua rồi thời “ăn no mặc ấm” và bây giờ chúng ta phải phấn đấu “ăn ngon, mặc đẹp”, “ăn ngon, mặc ấm”. Hiện nay, mỗi năm có có 232.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Nguyên nhân chính là do chế độ ăn uống nghèo nàn thiếu dinh dưỡng mà cụ thể là sự nghèo đói, lạc hậu, chênh lệch về kinh tế. Để giải quyết thực trạng này, Nhà nước phải thực hiện đồng bộ các biện pháp trong đó có các biện pháp về kinh tế, vệ sinh môi trường, nước sạch, an ninh lương thực và giáo dục. Dưới góc độ y tế, cần phải có cơ chế khám chữa bệnh, điều trị, giảm nguy cơ tử vong của trẻ em cũng như nguy cơ bệnh tật của trẻ em, gia đình, nhà nước và xã hội. Suy dinh dưỡng cấp tính là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11). Vì là bệnh nên phải có biện pháp phòng ngừa. Trong y tế để phòng ngừa thì phải có pháp đồ điều trị. Hiện nay, đối với loại bệnh này cũng đã có phác đồ điềutrị gồm khám, điều trị nội trú, điều trị ngoại trú và tư vấn xuyên suốt trong quá trình điều trị

          Thuốc điều trị cho loại bệnh này hiện có 3 chế phẩm đặc trị, tuy nhiên, 3 chế phẩm đặc trị không gọi là thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm này phải có sự chỉ định của bác sĩ

          Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành 2 Quyết định gồm: Quyết định 4487/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi  và Quyết định 3779/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, 2 văn  này vẫn là văn bản cá biệt của ngành y tế. Bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính của trẻ em hiện chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của các cấp, các ngành. Trong khi đó, trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính thường xảy ra trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên gia đình thường không thể chi trả. Đây là trở ngại chính các em và cơ sở y tế.

          PV: Thưa Ths. Thủy, Bộ Y tế đã ban hành tại Quyết định số 4487/QĐ-BYT ngày 18.8.2016 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SDD cấp tính ở trẻ em từ  0-72 tháng tuổi. Theo bà, dưới góc nhìn quản lý, đây có phải là hành lang pháp lý cần và đủ để can thiệp nhanh chóng, kịp thời cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính?

          Th.s Đinh Thị Thu Thủy: Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Có thể thấy, sức khỏe là gốc rễ và là hành trang để trẻ bước vào đời, trẻ em là rường cột cho mọi quốc gia.

          Thấm nhuần lời của Bác cũng như cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ em theo các chủ trưởng của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước. Ở góc độ quản lý quản lý nhà nước, tôi cho rằng, vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em cần phải có biện pháp quan tâm hơn nữa. Như tôi đã nói ở trên, Quyết định 4487/QĐ-BYT về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi và Quyết định 3779/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi mới chỉ là văn bản cá biệt, chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây cũng là một trong những nguyên dân làm cho các cơ sở y tế vẫn còn coi nhẹ công tác này và vẫn chưa hiểu suy dinh dưỡng cấp tính là một loại bệnh cần được điều trị một cách chính đáng. Việc khám và điều trị suy dinh dưỡng cho các em cần phải có nguồn lực kinh tế. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh đều do gia đình bệnh nhân chi trả, không ít gia đình kinh tế còn khó khăn. Đây cũng là một trong những khó khăn cho các cơ sở y tế, và không ai khác, các em là những người chịu thiệt thòi. 

 

          Để thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của nước ta và đặc biệt, chúng ta thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em và Luật Trẻ em thì việc khám, điều trị suy dinh dưỡng trẻ em  ần phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của nhà nước là Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là một quyết sách thể hiện  sự quan tâm của nhà nước đối với vấn đề khám, chữa bệnh và đối với trẻ em. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế để tuân thủ về quy trình về khám, chữa bệnh suy dinh dưỡng cấp tính. Qua đó, bảo đảm cho trẻ em được hưởng quyền lợi mình trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là được BHYT chi trả đối với sản phẩm được điều trị.

          PV: Thưa Ths. Thủy, bà nghĩ sao về việc các ý kiến đều thống nhất coi SDD là một loại bệnh, nên cần thiết phải bổ sung quy định điều trị suy dinh dưỡng nặng trẻ em vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và là giải pháp tối ưu để kịp thời phòng ngừa và điều trị cho tất cả trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính, giảm các gánh nặng về chi phí cho KT-XH và các hậu quả về mặt sức khỏe do suy dinh dưỡng gây ra.

          Ths. Thủy: Vụ Pháp chế hoàn toàn đồng ý với quan điểm nêu trên.

          Về sự cần thiết bổ sung các quy định về điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng cho trẻ em vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chính vì vậy, tại điều 84 của dự thảo Luật được quy định theo hướng sử dụng sản phẩm chuyên biệt để điều trị suy dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi, và phải bảo đảm một số nguyên tắc như: chỉ sử dụng khi cần thiết với mục đích an toàn hợp lý, hiệu quả theo đơn của bác sĩ phù hợp với chuẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của bệnh nhân. Khi kê đơn các sản phẩm chuyên biệt, điều trị  suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi thì người hành nghề phải ghi đầy, rõ ràng về đơn thuốc, sổ khám hoặc hồ sơ bệnh án, các thông tin như: tên, liều dùng, cách dùng của sản phẩm điều trị cho bệnh nhân bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng

           Sau khi dùng các phẩm chuyên việt để điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính, người hành nghề điều trị trực tiếp nội trú phải có trách nhiệm theo dõi tác dụng và xử lý kịp thời các tai biến do sản phẩm chuyên biệt điều trị gây ra. Trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng các sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính thì được quỹ bảo hiểm chi trả, trong dự thảo Luật cũng giao cho Bộ Trưởng Bộ Y tế quy định danh mục các sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi. Quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm chuyên biệt điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính và hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi. Như vậy, nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thông qua, trong đó điều 84 quy định về việc sử dụng thuốc, các sản phẩm, chế phẩm cho điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính cho trẻ em dưới 6 tuổi thì chúng ta có một cơ chế pháp lý để cho các trẻ em dưới 6 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng cấp tính của cả nước đều được khám, chữa bệnh kịp thời bảo đảm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỉ cũng như thực hiện quan điểm chỉ đạo của nhà nước là không bỏ ai lại phía sau.

PV: Xin cảm ơn Ths Thủy./.

Tin khác